Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề năm 2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề năm 2023
Tối 9/11, tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam.
Tham dự lễ khai mạc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh.
Cùng dự còn có hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương; đại diện một số tổ chức quốc tế; các nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tiêu biểu toàn quốc cùng đông đảo nhân dân.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Tài hoa kết tinh thành giá trị”. Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam trải qua lịch sử phát triển nghìn năm. Bàn tay khéo léo, trí óc sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi dày công “thổi hồn” cho từng tác phẩm độc đáo, tinh tế, chuyển tải di sản văn hóa, nét đẹp truyền thống của cộng đồng, dân tộc, vừa có tính ứng dụng, gần gũi, vừa có tính thẩm mỹ, nghệ thuật.
Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đẫm tình đất, tình người. Nếu như các thiết bị điện tử, công nghệ được xem là biểu hiện của sự năng động về khoa học – kỹ thuật của các quốc gia, thì các tác phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề chính là nét tinh hoa, khi tài nguyên bản địa được kết tinh thành giá trị văn hoá – xã hội, đậm đà bản sắc của mỗi quốc gia – dân tộc.
Hàng nghìn làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trải khắp đất nước, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, đã đóng góp giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, lan toả những nét đẹp, giá trị tích cực đến với cộng đồng, cùng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng người dân nông thôn.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ông bà ta vẫn thường nhắn gửi: “Chỉ có người phụ nghề, chứ nghề không phụ người”. Yêu nghề, kính nghiệp, chúng ta càng bày tỏ sự biết ơn và trân trọng đến mỗi ngành nghề, làng nghề, để mỗi sản phẩm làng nghề càng ngày bay cao, vươn xa.
Ông Nguyễn Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến gìn giữ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phong phú và giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó, làng nghề truyền thống là một trong những nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của vùng đất Thăng Long Hà Nội địa linh nhân kiệt và giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền. Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề, làng nghề truyền thống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong đó xác định phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Thành phố ban hành quy hoạch phát triển nghề và làng nghề đến năm 2025, tầm nhìn 2030, đồng thời ban hành nhiều cơ chế chính sách để bảo tồn và phát triển làng nghề Thủ đô.
Hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề của cả nước. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương có sự cạnh tranh cao tại thị trường trong cả nước và quốc tế. Thành phố phấn đấu đến 2025 sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với công nghiệp văn hóa và phát triển văn hóa. Đồng thời phát triển 9 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Tại Festival, thành phố Hà Nội triển khai 6 sự kiện bên lề, đồng thời phối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều hoạt động chính thức với mong muốn quảng bá làng nghề, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch làng nghề Thủ đô và cả nước.
Thành phố Hà Nội cam kết sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề và làng nghề Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/9/2023.
Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã trao giải A, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023.
Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9/11 đến 12/11.
Trong khuôn khổ của sự kiện sẽ diễn ra Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị