Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện của các doanh nhân Việt Nam

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam luôn là lực lượng xung kích và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đảng ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, DN.

Cách đây 10 năm, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ Chính trị đang yêu cầu các cơ quan tổng kết Nghị quyết này, để từ đó có thể ban hành nghị quyết mới, hoặc kết luận để tiếp tục thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới người dân và DN. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các đoàn thể chia sẻ khó khăn của người dân và DN, bao gồm cả DN nhỏ và DN lớn, có không ít DN phải rút lui khỏi thị trường. “Trong lúc khó khăn, rất cần bản lĩnh của đội ngũ DN, doanh nhân, cần có niềm tin vào các yếu tố vĩ mô; các khó khăn chỉ là tạm thời. Với truyền thống đoàn kết của nhân dân, DN ta sẽ vượt khó khăn, phát triển hơn trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp gỡ – Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ thông tin: Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XIII vừa kết thúc sáng nay, đề ra 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng, đó là phát triển KTXH, tài chính, ngân sách của năm 2022, kế hoạch tài chính cho 3 năm 2022-2024; thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới. Nội dung kỳ họp lần này có xem xét, quyết định một số dự án luật quan trọng, trong đó có dự án luật liên quan đến DN, cần có tiếng nói, ý kiến của doanh nhân. Các quyết sách lớn về KTXH sắp tới cần có đánh giá tác động đầy đủ của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt KTXH, nhất là đối với việc làm, sinh kế của người dân và hoạt động của DN…

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội đều đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân, DN…

“Chúng tôi ‘đặt hàng’ VCCI xây dựng chiến lược phục hồi DN, cũng như đóng góp vào phát triển nền kinh tế nói chung. Trung ương cũng đã thống nhất sẽ điều chỉnh chính sách tài khoá tiền tệ hợp lý vào thời điểm phù hợp, phối hợp 2 chính sách hợp lý, đúng liều lượng để tháo gỡ cho DN, cũng như kích thích và phục hồi nền kinh tế. Trong tuần tới, liên quan đến vấn đề này, tôi sẽ làm việc Ủy ban Kinh tế, Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cùng với các Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên tinh thần chính sách tài khoá và tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho hỗ trợ nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Báo cáo tình hình hoạt động của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Trong 58 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, VCCI cũng luôn có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Trong năm nay, khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới và tại Việt Nam, VCCI đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch. Mới đây, ngày 17-9, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19 để kết nối các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng hợp sức trong cuộc chiến chống COVID-19. 

Hội đồng cũng đã đưa vào hoạt động nền tảng tương tác trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh từ các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vào ngày 26-9, VCCI đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Đến nay Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7 – 8 triệu doanh nhân.

Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới trên 95% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết chưa cao…

Lãnh đạo VCCI nhấn mạnh, cộng đồng DN trân trọng và đánh giá cao việc ngày 28/7, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc biệt để ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Để tạo điều kiện cho các DN “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, nhanh chóng khôi phục sản xuất, VCCI đã đề xuất một số giải pháp có tính chất cấp bách, đột phá.
 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích