Chủ tịch huyện Kim Động chỉ đạo “Nóng” sau phản ánh của Môi trường và Đô thị

Chủ tịch huyện Kim Động chỉ đạo “Nóng” sau phản ánh của Môi trường và Đô thị

Xuân Nguyễn –  Thứ ba, 30/08/2022 09:18 (GMT+7)

Sau phản ánh của tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, về việc Cty CP XD&TM –Thành Phát Hưng Yên (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) đã tự ý lập bến bãi vận chuyển nguyên vật liệu, Chủ tịch UBND huyện Kim Động đã có chỉ đạo “nóng”!

“Mời ông Chủ tịch huyện về kiểm tra việc khắc phục vi phạm của Công ty Cổ phần Xây dựng &Thương mại Thành Phát Hưng Yên”. Đó là những câu nói, những bức xúc rất thẳng thắn của người dân thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên chia sẻ với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam về việc khắc phục vi phạm của Công ty Cổ phần  Xây dựng &Thương mại Thành Phát Hưng Yên khi đã đổ gạch vỡ và san gạt trên mấu cầu cũ thuộc khu vực sông Hồng, trên địa phận xã Đức Hợp.

Lập bến bãi trái phép, tự ý san lấp lấn sông Hồng – Chủ tịch huyện Kim Động có chỉ đạo “nóng”.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin về việc Công ty Cổ phần Xây dựng &Thương mại Thành Phát Hưng Yên (Công ty Thành Thái) đã tự ý lập bến bãi trái phép, san lấp, lấn chiếm lòng sông Hồng để vận chuyển nguyên vật liệu vào sản xuất gạch. Vấn đề này không chỉ gây bức xúc cho người dân mà việc này còn gây ảnh hưởng đến môi trường nơi đây.

Ngoài những vấn đề gây bức cho người dân thì theo thực tế của PV từ khi đi vào hoạt động công ty này đã biến một khúc sông Hồng chảy qua xã Đức Hợp để làm bến bãi vận chuyển vật liệu trái phép. Không chỉ vậy, mấy ngày gần đây công ty còn tự ý vận chuyển gạch vỡ ra khu vực bến này để san lấp, đóng cọc tre kiên cố để cho các tàu chở vật liệu về đây tập kết.

tm-img-alt
Công ty Cổ Phần Xây dựng &Thương mại Thành Phát Hưng Yên đã tự ý lập bến bãi trái phép, san lấp, lấn chiếm lòng sông Hồng.

Trao đổi thông tin với bà Nguyễn Thị Hằng ,Chủ tịch UBND xã Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) thừa nhận: “Việc công ty vận chuyển qua 1 bến trên địa bàn xã là có. Bến này đã tồn tại từ lâu, sau khi lò gạch đi vào hoạt động công ty đã lấy bến này để vận chuyển nguyên vật liệu vào lò gạch. Còn việc đưa gạch ra đây san lấp thì phía công ty khi đưa gạch ra san lấp cũng không báo lên chính quyền địa phương. Sau khi phát hiện chúng tôi cũng đã yêu cầu tạm dừng việc san lấp này”.

Tiếp nhận thông tin phản ánh, ông Bùi Văn Phúc – Chủ tịch UBND huyện Kim Động cho biết: “ Việc này chúng tôi sẽ cho kiểm thông tin báo chí phản ánh. Sau khi kiểm tra xong chúng tôi sẽ trao đổi với phóng viên”.

Và, quả thực sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ông Phúc đã có những chỉ đạo và yêu cầu nhất định với UBND xã Đức Hợp và những cá  nhân, tổ chức có liên quan về việc tự ý lập bến bãi vận chuyển nguyên vật liệu trên sông Hồng báo cáo UBND huyện – Chủ tịch huyện Kim Động trao đổi với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam ngày 27/8/2022.

Tuy nhiên, chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Kim Động “nóng” là như vậy, nhưng thực chất việc thực hiện sau chỉ đạo và khắc phục những hành vi sai phạm của UBND xã Đức Hợp và những cá nhân, tổ chức có liên quan như thế nào lại là chuyện khác!

Thực tế việc xử lý khắc phục vi phạm.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh và cũng là sau khi tiếp nhận chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Kim Động – Bùi Văn Phúc, ngày 26/8/2022 UBND xã Đức Hợp có Báo cáo số 203/BC-UBND gửi UBND huyện Kim Động: V/v Báo cáo phát hiện vi phạm của Công ty Thành Thái.

Theo đó, báo cáo nêu rõ hành vi vi phạm của Công ty Thành Thái khi đã đổ gạch vỡ và san gạt trên mấu cầu cũ thuộc khu vực sông Hồng, trên địa phận xã Đức Hợp. UBND xã Đức Hợp yêu cầu Công ty Thành Thái phải khắc phục xong trong buổi sáng ngày 27/8/2022 và trả lại hiện trạng ban đầu. (Báo cáo do chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hằng kí).

tm-img-alt
UBND xã Đức Hợp yêu cầu Công ty Thành Thái phải khắc phục xong trong buổi sáng ngày 27/8/2022 và trả lại hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên thực tế, ngày 29/8/2022, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam trở lại khu vực mấu cầu cũ thuộc khu vực sông Hồng, trên địa bàn xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên – nơi mà CCông ty Thành Thái đã tự ý lập bến bãi trái phép, san lấp, lấn chiếm lòng sông Hồng để vận chuyển nguyên vật liệu vào sản xuất gạch để ghi nhận những chuyển biến sau phản ánh, cũng như sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Kim Động thì mọi chuyện lại không được giống như “lời hứa” trong Báo cáo số 203/BC-UBND của UBND xã Đức Hợp gửi UBND huyện.

tm-img-alt
Việc khắc phục chưa trả lại hiện trạng ban đầu cọc bê tông và gạch vỡ vẫn còn nguyên hiện trạng san lấp.

Ghi nhận tại đây, thì lời hứa “trả lại hiện trạng ban đầu, khắc phục xong trong buổi sáng ngày 27/8/2022” của UBND xã Đức Hợp trong báo cáo gửi UBND huyện Kim Động là chưa thực hiện được.

Theo đó, số lượng gạch vỡ cũng như số lượng cọc bê tông đóng xuống lòng sông là vẫn chưa được di chuyển và khắc phục. Theo quan sát của Phóng viên và người dân thì chỉ có 01 đến 02 cọc bê tông được nhổ lên khỏi lòng sông.

Ông Đ.T chia sẻ: “Chúng tôi, những người dân thôn Phú Mỹ (cũ), xã Đức Hợp rất cảm ơn các PV Môi trường và Đô thị đã về đây để phản ánh những hành vi vi phạm của Công ty Thành Thái. Và, đặc biệt sau khi phản ánh thì UBND xã Đức Hợp và UBND huyện Kim Động đã có những tiếp nhận, chỉ đạo yêu cầu khắc phục. Tuy nhiên, thực tế việc khắc phục hành vi vi phạm của Công ty Thành Thái là không được tích cực, không trả lại nguyên trạng ban đầu. Và, chúng tôi, xin được mời ông Chủ tịch huyện về để kiểm tra để thấy rõ thực tế”.

Hành vi vi phạm của Công ty Thành Thái và những yều cầu khắc phục vi phạm từ chính quyền sở tại là rất rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế việc khắc phục đã được triệt để hay chưa? Hay chỉ làm gia tăng thêm những bức xúc, sự không đồng tỉnh của người dân khu vực. Thiết nghĩ, UBND xã Đức Hợp nên chú trọng vào “lời hứa” của mình trong báo cáo gửi huyện còn UBND  huyện Kim Động cũng nên và cần sát sao hơn nữa đối với hành vi vi phạm này của Công ty Thành Thái.

Và nếu cần thì Chủ tịch huyện Kim Động nên “đích thân” về kiểm tra theo đúng như “lời mời” cũng như nguyện vọng của nhân dân thôn Phú Mỹ, xã Đức Hợp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích