Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kiến trúc sư của Khu di tích K9
(Xây dựng) – Đã 52 mùa thu, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đi xa, nhưng tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác vẫn còn sống mãi, trường tồn cùng dân tộc. Bác không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là kiến trúc sư đại tài, với tư tưởng kiến trúc giản dị, gần gũi với thiên nhiên, mang hơi hướng kiến trúc xanh. Một trong những dấu ấn đó chính là Khu di tích K9 (Đá Chông).
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra khu Đá Chông chọn làm căn cứ của Trung ương. |
Địa thế phong thủy đẹp, nơi khí thiêng hội tụ
Cách đây 64 năm, vào năm 1957, trong một lần Bác Hồ cùng các đồng chí Quân uỷ Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308, Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có ba mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền nhau, thấy phong cảnh ở Đá Chông sơn thủy, hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ, phong thủy đẹp, lại có lợi về mặt quân sự, “thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Bác ngỏ ý với các cán bộ cùng đi ý định xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.
Sở dĩ địa danh này được gọi là Đá Chông là do từ dưới đất mọc lên rất nhiều tảng đá nhọn như đầu mũi chông. Truyền thuyết kể lại rằng, đây là bãi chông chà, dấu tích của trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời xưa. Khu Đá Chông nằm trên quả đồi lớn gọi là U Rồng trong dãy núi Tản Viên. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết về vùng núi này trong Kiến văn tiểu lục như sau: “Mạch núi đi từ Mường Thanh xuống tầng tầng lớp lớp kéo đến liên miên chằng chịt, đến đây mọc ngang ra ba ngọn, mặt tả trông về Sông Đà, phong cảnh tốt tươi, khí thế nghiêm chỉnh, có chỗ như tán quạt, lâu đài, ngọn giữa rất cao, phụng thờ thượng đẳng linh thần…”.
Bác chọn vị trí vô cùng đắc đạo, đặc biệt, từ Đá Chông nhìn ra phía Đông có dãy Tản Viên, phía tây có dãy núi Thiết Sơn (Lưỡi Hái), có dòng sông Đà sát cạnh. Điều kỳ lạ là Sông Đà qua Lai Châu về Hòa Bình, qua đằng Khê Thượng, đến đây đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gẫy, để rồi đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì -Phú Thọ) gặp sông Hồng, sông Lô.
Lối kiến trúc giản dị, hòa hợp cùng thiên nhiên
Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của Mỹ đã rõ ràng, Bộ Quốc phòng được lệnh xây dựng khu căn cứ của Trung ương tại Đá Chông. Trong quá trình xây dựng, khu vực này mang mật danh “Công trường 5”. Ngày 15/3/1960, ngôi nhà hai tầng theo kiểu nhà sàn hoàn thành. Từ đó, nơi đây được đổi tên thành Khu căn cứ K9.
Ngôi nhà sàn hai tầng mô phỏng nhà Bác trong Phủ Chủ tịch do Cục Doanh trại xây dựng được chính tay Bác chọn hướng Nam, cắm mốc, duyệt thiết kế. Khi duyệt thiết kế Bác thấy cửa đóng then cài nên đã yêu cầu thay bằng cửa xây, cửa đẩy, gọi là cửa có rãnh trượt, có thể dồn xếp dần cánh cửa vào phía trong, giúp phòng họp rất thoáng. Hành lang được nới rộng ra tương xứng với bề rộng ngôi nhà và cầu thang để khi tiếp khách tại đây có thể cùng đi với nhau, vừa đi vừa trò chuyện, tạo ra sự bình đẳng, thân mật, thể hiện đúng truyền thống hiếu khách, tôn trọng bạn bè.
Phòng khách trên tầng hai che cửa sổ bằng lưới mỏng, không chỉ ngăn muỗi, côn trùng, mà vẫn quan sát được cảnh vật bên ngoài, hưởng được không khí trong lành, mát mẻ. Dọc theo hành lang, mỗi khoảng trống được bố trí như một khung tranh, với nền là phong cảnh thiên nhiên rừng núi thay đổi theo từng mùa. Sân nhà, lối đi, Bác yêu cầu trải sỏi để vừa sạch, vừa đảm bảo an ninh, ngồi trong nhà vẫn có thể phát hiện người, thú đến gần, lại có tác dụng rất tốt khi đi dạo trên đôi chân trần.
Khi dựng nhà, thấy trước sân có tảng đá lớn, cây cối um tùm, anh em xây dựng đã định phá đi nhưng Bác ngăn lại nói: Đây là hòn non bộ “thiên tạo” không nên phá mà giữ lại xây bồn xung quanh, chứa nước, thả cá tạo cảnh quan. Khi lên thăm, thấy bồn xây quá nhỏ, Bác nhắc nhở: Các chú mặc áo chật thấy có khó chịu không?
Thế mới biết, Người không chỉ là bậc lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là nhà kiến trúc đại tài. Lối kiến trúc giản dị, thiết kế tối đa công năng, tiết kiệm và đặc biệt gần gũi, hòa mình với thiên nhiên. Không chỉ nằm hòa mình giữa thiên nhiên rừng núi Ba Vì hùng vĩ, trong mỗi góc nhỏ của căn nhà, thiên nhiên cũng được đưa vào trong thiết kế, xây dựng.
Trong 9 năm từ 1960 – 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã nhiều lần lên làm việc tại Khu căn cứ K9. Cũng tại nơi này, Người từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu – phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai; ông Hà Vĩ – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ Giec-man Ti-tốp dẫn đầu. Thời gian làm việc tại Đá Chông không nhiều nhưng đã hai lần vào dịp 19/5, Người lại lên đây để tránh việc tổ chức sinh nhật rình rang.
Nơi in đậm dấu ấn cuộc đời, tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. K9 được chọn là nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đây, K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”. Nơi đây còn tổ chức nhiều hoạt động viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trọng thể cho nhiều đoàn đại biểu kể từ năm 1969 – 1975. Ngày 18/7/1975, sau khi đất nước thống nhất, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được lệnh xuất phát rời K84 về Lăng của Người, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ đây, Khu căn cứ K84 trở thành căn cứ dự phòng cho Lăng Bác.
Ngày 02/9/2015, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở K9 được khánh thành, là công trình mang ý nghĩa lịch sử, chính trị to lớn, là nơi để đồng bào, khách quốc tế đến tham quan, tưởng niệm, góp phần quan trọng giữ gìn, truyền bá nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhà tưởng niệm, ban thờ Bác Hồ được bố trí ở gian giữa, rất cân đối hài hòa. Câu đối trong nhà tưởng niệm có nội dung: “Hồn Việt tụ nơi đây, linh khí trải dài muôn dặm đất. Bác Hồ về thuở ấy, tinh anh tỏa sáng bốn phương trời”. Câu đối ấy do anh hùng lao động, giáo sư Vũ Khiêu soạn thảo. Trên ban thờ Bác Hồ là bức tượng Bác đúc bằng đồng. Phía sau ban thờ là trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày nay, Khu di tích K9 vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và ngày càng được mở rộng, khang trang, sạch đẹp, trở thành Khu di tích lịch sử văn hoá của cả nước, có giá trị to lớn về truyền thống cách mạng, nơi mang đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm sâu sắc, tỏa sáng giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo xây dựng