Chủ động vắc xin là giải pháp căn cơ
Gia tăng F0 do người về từ vùng dịch
Sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 cộng đồng, tối 22/10, Hà Nội đã phát hiện 2 ca cộng đồng là vợ chồng bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội, nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về không khai báo y tế, hoặc không tuân thủ cách ly đã khiến một số ca bệnh thứ phát xuất hiện.
Cụ thể, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội vẫn đang thực hiện giám sát người về từ các địa phương có dịch. Tính từ ngày 11/10- 23/10 Thành phố đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm 4.426 người từ các tỉnh miền Nam, trong đó, đã có 37 trường hợp dương tính, cụ thể về từ thành phố Hồ Chí Minh (28 ca), Đồng Nai (5 ca), Bình Dương (3 ca), Tây Ninh (1 ca). Trong 37 trường hợp dương tính, phân loại theo phương tiện di chuyển có 23 người đi bằng ô tô, 10 người đi máy bay, 3 người đi bằng tàu hỏa, 1 người đi bằng xe máy. Theo tiền sử tiêm chủng, trong các ca mắc Covid-19 về từ các tỉnh có dịch số người tiêm đủ 2 mũi là 24 người; đã tiêm 1 mũi là 8 người, chưa tiêm vắc xin 4 người, chưa đến tuổi tiêm chủng 1 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân. (Ảnh: Hùng Sơn) |
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cũng cho biết, tình hình dịch trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp sau khi thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến Hà Nội, mở lại giao thông đường sắt và thông thương với các tỉnh. Trong 7 ngày qua, mỗi ngày ghi nhận trung bình 4 trường hợp dương tính về từ các tỉnh có dịch. Ngày cao điểm nhất là 10 trường hợp, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn do đã xuất hiện các ca bệnh lây nhiễm thứ phát từ các ca bệnh trên. Bởi vậy, để chủ động phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đề xuất các quận, huyện phải tăng cường vai trò của lực lượng tiếp nhận thông tin, Công an khu vực và Tổ Covid-19 cộng đồng để tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ người dân về từ các tỉnh có dịch, đặc biệt là người dân về trên các loại phương tiện cá nhân, ô tô, xe khách.
Không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước cũng ghi nhận ca bệnh sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19” do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với các điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chiều 24/10: “Về cơ bản hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương khác. Tuy nhiên sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều và đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch”.
Trước lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch. Đồng thời, đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. “Phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Quyết liệt đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin
Đồng quan điểm trên, phát biểu bên lề Quốc hội, bà Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết: “Hiện nay thực hiện chủ trương sống thích ứng an toàn, từng bước mở cửa nền kinh tế, người dân ở các tỉnh đã về Hà Nội rất nhiều. Qua tầm soát xét nghiệm, chúng tôi đã phát hiện F0. Đây là áp lực rất lớn với ngành Y tế Thủ đô, nhưng chúng ta chấp nhận mở cửa và sống chung an toàn với Covid-19. Để làm được điều này, cần có chiến lược vắc xin một cách chủ động cho năm 2022, đặc biệt là vấn đề vắc xin cho trẻ em, để chuẩn bị kịch bản khi có một lượng học sinh, sinh viên tới trường trong thời gian tới”.
Liên quan tới vấn đề tiêm chủng cho trẻ em, vừa qua Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Theo công văn, Bộ Y tế cho biết sẽ mở rộng đối tượng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 – 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. |
Được biết, thời gian tới, ngoài việc chủ động tiêm mũi 2 cho người dân, ngành Y tế Thủ đô sẽ rà soát thống kê số lượng trẻ trên địa bàn cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhóm trẻ từ 3-11 tuổi, 12-15 tuổi và 16-17 tuổi. Xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Bởi, theo các chuyên gia y tế, hiện nay, mặc dù số lượng trẻ em bị nhiễm Covid-19 ít hơn so với người lớn nhưng đây vẫn là đối tượng có khả năng mắc và truyền bệnh cho những người khác. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là một trong những biện pháp có thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm bệnh, ngăn ngừa sự lây lan và vắc xin cũng có thể giúp trẻ không bị bệnh nặng ngay cả khi trẻ nhiễm Covid-19.
Thông tin về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế, Hà Nội đã sẵn sàng kế hoạch để tiêm vắc xin cho trẻ em. “Tuy nhiên bao giờ triển khai tiêm được và lứa tuổi cụ thể như nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Hà Nội đang chờ vào việc phân bổ vắc xin cũng như chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan lứa tuổi được tiêm chủng và thứ tự ưu tiên với trẻ em”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Cũng theo lãnh đạo ngành Y tế Hà Nội, trong việc tiêm chủng cho trẻ em, Hà Nội đã thực hiện phát đăng ký tiêm chủng về nhu cầu, cũng như xem xét về số lượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Việc tiêm chủng cho trẻ có thể tổ chức ở các địa bàn dân cư, các trường hoặc có thể ở các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động. Hà Nội cũng dự kiến sẽ tổ chức tiêm chủng lưu động tại các trường, để tạo sự thuận lợi cho các em khi đến trường thực hiện tiêm chủng luôn. Đặc biệt, Ngành Y tế Hà Nội sẽ xây dựng quy trình nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn cho các em trong quá trình tiêm chủng. Bên cạnh đó, trong quá trình tiến hành đăng ký tiêm cho trẻ em thì cũng rất cần sự đồng thuận của các bậc phụ huynh.
Từ thực tế công tác phòng, chống dịch lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, chủ động vắc xin là giải pháp căn cơ để đẩy lùi đại dịch. Và dù với người lớn hay trẻ em thì thông điệp vẫn là vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. “Với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, Bộ Y tế Việt Nam cấp phép thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng vắc xin. Và chúng tôi cho rằng khi mà vắc xin được thực hiện để chỉ định tiêm chủng cho trẻ em hoàn toàn yên tâm” lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.
Nguồn: Báo lao động thủ đô