Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão

Thấp thỏm lo âu

Những ngày đầu tháng 6, trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, chúng tôi có mặt ở huyện Chương Mỹ, một trong những địa phương đang được cảnh báo khẩn cấp về tình trạng sạt lở nghiêm trọng ven sông. Có thể thấy nỗi lo lắng của người dân và chính quyền địa phương khi mùa mưa lũ đang cận kề.

Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão
Năm nay dự báo sẽ xuất hiện mưa lũ cực đoan. (Ảnh minh họa: Đường phố ngập sau trận mưa lớn)

Đặc biệt, tình trạng sạt lở ven sông Bùi, sông Đáy đã được cảnh báo lên mức khẩn cấp, nếu không được xử lý kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, tính mạng cũng như tài sản của các hộ dân xung quanh. Chỉ tay về phía ngôi nhà cấp 4 chằng chịt những vết nứt, chị Hạnh (xã Hồng Phong) chia sẻ, cứ đến tháng 8, nước dâng lên làm sạt lở một phần đất vườn, gây ngập úng, thậm chí làm nứt cả sân nhà. Khoảng 5 năm trước, gia đình gom góp tiền để xây được khu bếp cho khang trang, sạch sẽ thế nhưng đến nay đã nứt toác nhiều chỗ, phần sân thì sụt hẳn xuống. “Tôi chỉ sợ đến một ngày, khu bếp rồi nhà phía trước cũng sẽ chịu ảnh hưởng của sạt lún, lúc đó không biết phải làm sao!” – chị Hạnh cho biết.

Theo ghi nhận, sự cố sạt lở cũng xảy ra tại đê tả sông Bùi đoạn qua địa phận xã Tốt Động. Đoạn từ đình Yên Duyệt đến Xóm mới chiều dài khoảng 980m, dọc thân đê xuất hiện nhiều dòng thấm khi mực nước sông lên +4,0m, mái sông dốc đứng, dòng chủ lưu thúc thẳng vào thân đê. Trên tuyến xuất hiện 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ 10 đến 65m, chiều sâu cung sạt từ 1 đến 2m. Đoạn từ cầu Zét đến cầu sắt đầm kênh với chiều dài khoảng 650m, dọc thân đê xuất hiện nhiều dòng thấm; mái sông dốc, dòng chảy áp sát và thân đê, trên tuyến xuất hiện 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ 10 đến 50m, chiều sâu cung sạt từ 1 đến 1,5m tạo thành vách thẳng đứng. Sạt lở bờ tả mái thượng lưu đê tả sông Bùi tại thôn 5 xã Quảng Bị có phạm vị sạt lở phía thượng lưu từ đầu cầu Đầm Mơ đến giáp kè cũ Đông Quang, xã Quảng Bị dài khoảng 300m, xuất hiện 2 cung sạt dài khoảng 50m, chiều sâu từ 1 đến 1,5m, cung sạt ăn sâu vào thân đê làm nứt, vỡ mặt đường bê tông trên mặt đê gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 20 hộ dân trong khu vực…

Ngoại thành thì lo sạt lở đê điều, còn trong khu vực nội thành, tình trạng ngập gia tăng sau mỗi cơn mưa cũng đang là nỗi ám ảnh của người dân. Đơn cử như, cơn mưa trên diện rộng vào chiều, tối 11/5 đã làm gãy, đổ nhiều cây xanh và gây úng ngập cục bộ. Theo đại diện Công ty Tránh nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại các điểm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm là khoảng 90mm trong 60 phút, Cầu Giấy 134 mm trong gần 90 phút, các quận khác khoảng 70mm trong 60 phút. Tất cả đều rất lớn, vượt thiết kế và sức chịu tải của hệ thống thoát nước. Nước tràn vào nhà dân hai bên đường, nhiều phương tiện lưu thông qua các tuyến đường bị chết máy. Thời điểm ngập nước xảy ra đúng lúc người dân đi làm về, kéo theo đó là tình trạng ùn tắc giao thông…

Nói về câu chuyện ngập nước, ông Nguyễn Văn Chính (phố Trần Bình, quận Cầu Giấy) cho biết, tình trạng này đã xảy ra trên địa bàn Thành phố đã khá lâu. Nó thực sự là nỗi ám ảnh thường trực của người dân “vùng trũng” mỗi khi mùa mưa đến. Mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn, ảnh hưởng tới việc đảm bảo an toàn, vấn đề vệ sinh môi trường… Theo ông Chính, chính quyền Thành phố và các cơ quan dự báo cần tìm giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng ngập hiện nay ở đô thị nhằm góp phần làm nên chất lượng sống tốt cho người dân Thủ đô.

Chủ động giải pháp trước mùa mưa bão

Mùa mưa bão năm 2021 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định có từ 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó, khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và không ngoại trừ có những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo mùa “mưa bão”, Trung tâm triển khai thực hiện Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào việc tăng tần suất, thay đổi giờ phát tin; xây dựng và triển khai công cụ giám sát bão, lũ thời gian thực; cập nhật liên tục vị trí và cường độ từng giờ khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, lũ khẩn cấp…

Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, là nơi thường xuyên hứng chịu nhiều đợt ngập lụt gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Ngập lụt khi mưa lớn đã xảy ra ở Hà Nội từ nhiều năm nay, xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, tình trạng ngập lụt khi có mưa ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho thành phố Hà Nội mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do mưa, ngập lụt gây ra.

Để thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cũng như ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị các đơn vị liên quan, hợp tác trao đổi dữ liệu để những thông tin cảnh báo, dữ báo truyền được đến các cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như người dân. Trong mùa mưa bão 2021, trước khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ sẽ tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra vào tuần cuối tháng 7 và tuần giữa tháng 8/2021 tại các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ địa phương và người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Đặc biệt, chú trọng việc tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai.

Ngày 12/7, tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận dự án hợp tác giữa Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Công ty HydroScan (Vương quốc Bỉ). Dự án “Chuyển giao công nghệ Flood4Cast® ứng dụng cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội” nằm trong khuôn khổ chương trình ODA viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Bỉ cho Việt Nam. Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội nằm ở trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, là nơi thường xuyên hứng chịu nhiều đợt ngập lụt gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ngập lụt khi mưa lớn đã xảy ra ở Hà Nội từ nhiều năm nay, xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, tình trạng ngập lụt khi có mưa ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, thiết lập một hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ngập lụt hiệu quả cho thành phố Hà Nội mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do mưa, ngập lụt gây ra.

Mục tiêu của dự án là cảnh báo sớm ngập lụt do mưa lớn cho khu vực nội thành thành phố Hà Nội giảm thiểu tác động của ngập lụt đô thị do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa nhanh và nâng cao năng lực dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm, cảnh báo thời gian thực các thiên tai do mưa lũ. Khu vực đề xuất thực hiện dự án gồm 12 quận của Thành phố có tổng diện tích 306,64 km2, trong đó 8 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, là khu vực chịu ảnh hưởng ngập úng nặng nề nhất của thành phố Hà Nội.

Chủ động ứng phó trước mùa mưa bão
Công nhân thoát nước chuẩn bị các công việc để tiêu thoát nước.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các Quyết định số: 2588/QĐ-UBND, 2589/QĐ-UBND, 2619/QĐ-UBND, 2629/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở kè Linh Chiểu, xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ; sự cố sạt lở kè Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì; sự cố sạt lở bờ hữu sông Bùi đoạn qua địa bàn xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ; sự cố sạt lở chân đê hữu Đáy, đoạn đi qua địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Đồng thời, giao các huyện cắm biển cảnh báo sự cố công trình, hạn chế người dân qua lại khu vực xảy ra sự cố; xây dựng phương án xử lý giờ đầu sự cố theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê; sẵn sàng xử lý khi sự cố phát triển, thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sự cố.

Ủy ban nhân dân Thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện ngay việc khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố. Chỉ đạo Chi cục Phòng, chống thiên tai chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, huyện Ba Vì, huyện Chương Mỹ, huyện Quốc Oai trong việc theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố…/.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích