Chủ động phòng bệnh cho học sinh mùa tựu trường

Gia tăng ca bệnh truyền nhiễm

Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến ngày 14/8 ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi; trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca và đã có 3 ca tử vong. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, toàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 ca bệnh sởi. Còn tại Hà Nội, số ca bệnh sởi không ghi nhận nhiều, nhưng từ đầu năm 2024 đến ngày 16/8, đã có 222 ca mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin, hoặc chưa được tiêm đầy đủ.

Chủ động phòng bệnh cho học sinh mùa tựu trường
Trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi – quai bị – rubella tại Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Đối với bệnh tay chân miệng, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.818 ca mắc, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Dịch bệnh tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp. Tuy nhiên, dự báo số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới khi các trường mầm non và tiểu học tiếp nhận trẻ đi học trở lại…

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi… Với các bệnh có vắc xin thì khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo: Trẻ đến trường sau kỳ nghỉ hè dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bởi vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc xin ngừa các bệnh như: Cúm, sởi, bạch hầu – ho gà – uốn ván, não mô cầu, viêm não Nhật Bản…

“Mùa tựu trường đầu tháng 9 là lúc chuyển giao từ hè sang thu, thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm cao khiến loạt bệnh có tính chất theo mùa như sởi, ho gà, cúm, viêm phổi, viêm não diễn biến phức tạp, dễ lây nhiễm. Một trẻ nhiễm bệnh sẽ lây cho bạn cùng lớp, cùng trường, tạo ổ dịch khó kiểm soát. Bởi vậy, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hàng đầu cho trẻ”- Bác sĩ Phong phân tích.

Điển hình, các chuyên gia cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, cần tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc xin. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong. Thai phụ mắc sởi ngoài gặp biến chứng có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, 90-100% người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc. Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm vi rút sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như: Khu dân cư, trường học, ký túc xá, bệnh viện…

Theo đó, sởi nguy hiểm khi có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến trẻ dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác và gặp nhiều biến chứng như: Viêm tai giữa cấp; viêm phổi nặng; viêm não; tiêu chảy; mờ hoặc loét giác mạc; suy dinh dưỡng… Ở thai phụ, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm kết mạc, viêm màng não cấp tính và bùng phát lao tiềm ẩn. Nếu mắc sởi trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể bị sảy thai. Nếu tuổi thai lớn, sởi có thể gây sinh non hoặc thai chết lưu.

Đáng lo ngại, trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%.

Bởi vậy, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra. Vắc xin có thành phần sởi như sởi đơn, sởi – quai bị – rubella có thể tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi có hiệu quả đến 98%. Bên cạnh đó, phụ nữ cần hoàn thành lịch tiêm sởi – quai bị – rubella trước mang thai 3 tháng để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích