Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm “vùng xanh”

Linh hoạt đảm bảo tư liệu sản xuất

Tại các địa phương thuộc khu vực “vùng xanh” ở Hà Nội, sau khi Thành phố ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, nhiều bà con tại các địa phương “vùng xanh” đã được chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn về việc tập trung duy trì sản xuất như không tập trung quá 5 người/khu vực, bảo đảm khoảng cách 2m giữa hai người để tránh lây lan dịch bệnh, đảm bảo quy tắc 5K…

Là một trong những địa phương có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, vì thế, sau khi Thành phố ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, nhiều Hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã lập tức đã bắt tay vào sản xuất, hoạt động bình thường. Để đảm bảo việc sản xuất, chuỗi cung ứng được đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, lao động, huyện Thanh Oai đã có văn bản yêu cầu 23 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm “vùng xanh”
Hợp tác xã Đoài Phương đã linh hoạt và chủ động trong việc tìm nguồn nguyên liệu cung đảm bảo sản xuất

Trong đó, huyện Thanh Oai cũng chỉ rõ, các Hợp tác xã cần tập trung trồng luân canh các giống rau ngắn ngày và chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi…nhằm tăng nguồn cung ứng nông sản, đảm bảo nhu cầu về lượng thực, thực phẩm cho người dân địa phương cũng như sẵn sàng cung ứng cho các quận nội thành.

Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc trở lại sản xuất, huyện đã giao cho Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị rà soát các đối tượng đề nghị cấp giấy lưu thông cho phương tiện vận chuyển vật tư, hàng hóa để tham mưu Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nông dân. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, nông sản, đảm bảo chuỗi cung cầu thông suốt…

Đề cập đến công tác bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất trong thời điểm giãn cách xã hội, cũng như tại thời điểm Hà Nội đã phân 3 vùng kiểm soát, ông Đỗ Hùng Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, việc bảo đảm các quy định phòng, chống dịch được Hợp tác xã thực hiện rất nghiêm ngặt. Trong đó, Hợp tác xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các thành viên đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang…Đặc biệt, sau khi Thanh Oai được xác định là “vùng xanh”, để đảm bảo việc cung ứng nông sản kịp thời cho người dân, đặc biệt là khu vực “vùng đỏ”, các hộ dân trong hợp tác xã đã đẩy mạnh việc sản xuất các giống rau ngắn ngày, qua đó bảo đảm nguồn cung liên tục, kịp thời.

Cũng giống như Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An, tại Hợp tác xã Đoài Phương (Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây), thời điểm giãn cách xã hội việc sản xuất tại Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do Thành phố siết chặt công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước về nguồn thức ăn cho gia cầm, cũng như việc đảm bảo cung ứng con giống, sản phẩm gà Mía…nên chuỗi cung ứng của hợp tác xã không bị ảnh hưởng nhiều. Các thành viên vẫn đảm bảo việc sản xuất, chăn nuôi theo đúng kế hoạch, hợp đồng cung ứng đã ký kết.

Anh Nguyễn Huy Ba, thành viên Hợp tác xã Đoài Phương cho biết, vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự ứng biến linh hoạt, chủ động của Hợp tác xã và các xã viên nên chuỗi cung ứng của Hợp tác xã không bị đứt gãy. Nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có thời điểm việc vận chuyển sản phẩm, vận chuyển thức ăn chăn nuôi cho gia cầm gặp khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, các sản phẩm, thức ăn chăn nuôi…được chuyển đến đầu các điểm chốt, sau khi thực hiện các biện pháp khử khuẩn, các xã viên sẽ phải tự chủ động vận chuyển về chuồng trại. Nhờ đó, việc sản xuất, chăn nuôi và cung ứng sản phẩm cho đối tác được diễn ra bình thường.

Chủ động nguồn cung ứng, tiêu thụ sản phẩm

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương ở Hà Nỗi đã xuất hiện các F0 và phải thực hiện cách ly, phong tỏa theo quy định phòng, chống dịch. Việc phải cách ly không chỉ khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn, mà việc sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, nông sản của người dân cũng gặp nhiều bất cập. Để giải quyết vấn đề này, nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân đã có những sáng kiến hay không chỉ đảm bảo sản xuất, mà còn đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm một cách kịp thời.

Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm “vùng xanh”
Người dân tại “vùng xanh” đã bắt tay vào sản xuất ngay sau khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách

Là một trong những xã phải chịu phong tỏa do xuất hiện nhiều trường hợp F0 trên địa bàn, cũng như các địa phương khác, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm (Hà Nội), cùng với chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Kim Sơn đã tuyên truyền, vận động được hơn 40 cán bộ, hội viên nông dân địa phương tích cực tham gia 11 chốt trực của xã. Không chỉ trực chốt, cán bộ, hội viên Hội Nông dân và chính người Chủ tịch Hội Bùi Văn Quyên đã trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ như tham gia điều tra, truy vết các F, phun khử khuẩn tại các khu vực nguy cơ cao trong xã và vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến tận các gia đình đang bị cách ly y tế…

Bên cạnh công tác chung tay phòng, chống dịch, một trong những điều mà Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn luôn băn khoăn, trăn trở là làm sao có thể tiêu thụ được sản phẩm chuối đã đến kỳ thu hoạch của nông dân trong xã. Theo đó, để hỗ trợ kịp thời cho người dân, ông Bùi Văn Quyên đã liên hệ với Phòng Kinh tế huyện, Hội Nông dân huyện Gia Lâm và các thương lái ở địa phương khác ngoài huyện giúp bà con nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự nỗ lực ấy, trong suốt thời gian giãn cách, các thương lái đã đến tận xã để thu mua lượng lớn sản phẩm chuối của nông dân Kim Sơn, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra…

Cũng nỗ lực tìm nguồn ra cho sản phẩm, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động trong thời điểm Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, ông Lê Hồng Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Tình Thương (Mỹ Đức) cho biết, là hợp tác xã sản xuất lĩnh vực tăm tre, với phần lớn số lao động là người khó khăn, người khuyết tật, do đó khi Hà Nội thực hiện giãn cách, các sản phẩm tiêu thụ giảm sút đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống người lao động. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị sẵn về nguồn hàng, cũng như được chính quyền địa phương tạo điều kiện trong việc cấp giấy phép “luồng xanh” cho xe ô tô cung cấp sản phẩm, thu mua nguyên liệu, nên công việc của các hội viên không bị đứt gãy.

“Do có sự chuẩn bị sẵn về nguồn hàng, nên các xã viên của Hợp tác xã vẫn được đảm bảo cung cấp đủ tư liệu, sản phẩm để sản xuất. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe xã viên và người lao động, cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Hợp tác xã đã tạo điều kiện để các xã viên mang hàng về nhà làm. Nhờ đó, việc sản xuất, cung ứng sản phẩm vẫn được đảm bảo đầy đủ. Do đó, khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách tại các địa phương “vùng xanh”, Hợp tác xã nhanh chóng nối lại các điểm phân phối, cung ứng để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh nhất, qua đó, giúp người lao động ổn định việc làm và đời sống”, ông Mạnh cho hay.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích