Chủ động đấu tranh, triệt phá các nhóm tội phạm

Ngày 30/10, Bộ Công an thông tin, thời gian qua, lực lượng công an đã phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng có dấu hiệu làm giả sao kê tài khoản, cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản… của một số ngân hàng, để chứng minh năng lực tài chính, hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chủ động đấu tranh, triệt phá các nhóm tội phạm
Theo Bộ Công an, bên cạnh nỗ lực của ngành Công an, cần thúc đẩy hơn hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng và các tập đoàn công nghệ trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, theo Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm của các đối tượng, dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính được phê duyệt đầu tư có thể trúng thầu, triển khai thực hiện dự án. Từ đó dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ dự án, thậm chí không triển khai được dự án, ảnh hưởng xấu đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành, địa phương… Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng các tài liệu giả để nhằm mục đích thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân…

Thủ đoạn các đối tượng sử dụng là lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như: Cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân… Một số đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả các tài liệu này nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng đặt mua máy khắc dấu po-ly-me trên mạng internet để chế tạo con dấu giả của các ngân hàng có uy tín; đặt mua các mẫu giấy in màu có biểu trưng của các ngân hàng này để phục vụ việc làm giả tài liệu.

Khi tìm được người có nhu cầu làm các tài liệu này, các đối tượng đề nghị cung cấp thông tin doanh nghiệp, mã số thuế, số tài khoản, thông tin dự án và số tiền cần xác nhận cấp cam kết tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, bảo lãnh dự phòng… Sau khi thỏa thuận chi phí làm giả số giấy tờ, tài liệu, các đối tượng in các nội dung nêu trên lên giấy có biểu trưng của ngân hàng, ký giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng và dùng con dấu po-ly-me giả đóng lên tài liệu.

Điển hình trong vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, đã có một số doanh nghiệp sử dụng các loại giấy tờ giả nêu trên để làm hồ sơ gửi vào các sở, ngành của một số địa phương nhằm xin hồ sơ cấp phép đầu tư xây dựng dự án các loại như: Khu đô thị, điện gió, cảng biển, nhà máy, kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư… Trong đó, một số doanh nghiệp đã cung cấp giấy tờ giả nội dung được ngân hàng cam kết cấp tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đồng và xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với thủ đoạn nêu trên. Đồng thời,khuyến cáo các cơ quan, tổ chức khi phát hiện tài liệu bị làm giả, nghi bị làm giả cần khẩn trương liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Còn mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 138 Thành phố) đã ban hành Công văn số 07/BCĐ-CAHN về việc triển khai công tác trọng tâm quý IV/2021.

Theo đó, cùng với rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2021, Ban Chỉ đạo 138 Thành phố sẽ chủ động tham mưu các cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp triển khai đồng bộ các biện pháp, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, an dân, không để gây phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội tổ chức thực hiện tốt các biện pháp vận động, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp…, trong đó chú trọng cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm phát sinh trong và sau dịch Covid-19, các loại ma túy mới, biện pháp phòng ngừa số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, số đối tượng “ngáo đá” gây án… để giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.

Ban Chỉ đạo 138 Thành phố giao Công an thành phố Hà Nội tập trung thực hiện các kế hoạch tăng cường các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tội phạm, nhất là kéo giảm 5% số vụ phạm pháp hình sự. Chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là nhóm tội phạm nổi lên trong và sau dịch Covid-19…/.

H.Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích