Chủ động các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Hà Nội ghi nhận thêm 84 ca sốt xuất huyết

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ 21/6 đến 28/6), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 84 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 11 ca so với tuần trước). Bệnh nhân phân bố tại 20 quận, huyện, trong đó có 41 bệnh nhân ghi nhận tại huyện Đan Phượng.

Chủ động các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết
Giám sát các ổ bọ gậy phòng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023), nhưng chưa có ca tử vong.

Trong tuần Hà Nội cũng ghi nhận thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới, trong đó, tại huyện Đan Phượng có 2 ổ dịch và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 4 ổ dịch tại huyện Đan Phượng, (gồm 2 thôn Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp; thôn Phương Mạc, xã Phương Đình; thôn 3 xã Thượng Mỗ) và 1 ổ dịch tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa); 1 ổ dịch tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm).

Trong tuần, CDC Hà Nội đã tổ chức giám sát tại 2 ổ dịch đang hoạt động trên địa bàn quận Đống Đa và huyện Đan Phượng. Đặc biệt, CDC Thành phố cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát tại 8 ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 ở phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên); phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ). Kết quả có 4/8 ổ dịch có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức 44 chiến dịch vệ sinh môi trường, kiểm tra phòng, chống dịch tại hơn 120.331 hộ gia đình và 1.779 khu vực khác như trường học, nơi công cộng…; xử lý 23.743 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

CDC Hà Nội nhận định, hiện nay, điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Đây cũng là tuần thứ 4 liên tiếp có số mắc sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn Thành phố.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trước thực tế đó, theo CDC Hà Nội, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.

Chủ động các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết
Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố chủ động các hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Đồng thời, chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao để triển khai hoạt động đáp ứng phù hợp, kịp thời. Đồng thời, tiếp tục giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, ổ dịch cũ năm 2023, nhằm phát hiện sớm ca mắc/nghi mắc bệnh để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Cùng với vai trò của cơ quan chức năng, ngành Y tế, người dân cũng cần chủ động trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nên chú ý thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như: Bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước…

Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp. Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.

Hiện có nhiều biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, trong đó có thả cá diệt bọ gậy được nhiều địa phương áp dụng. Là một trong những cán bộ y tế có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ông Ngô Hùng Sơn, Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế Quận Hai Bà Trưng cho biết: Việc thả cá vào chum vại, dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy là biện pháp đơn giản, có hiệu quả trong việc phòng trừ các loại muỗi trung gian truyền bệnh.

“Ở môi trường thích hợp, cá có thể tự thích nghi và giúp con người duy trì việc phòng, chống muỗi; chi phí của phương pháp dùng cá diệt bọ gậy thấp và không cần phải có những phương tiện phức tạp, đắt tiền; cá diệt bọ gậy thường làm sạch nước và không làm nước bị nhiễm bẩn” – ông Sơn phân tích.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý, việc sử dụng cá để diệt bọ gậy muỗi có thể mất thời gian từ 1 đến 2 tháng, vì vậy phương pháp này không phù hợp khi mong muốn đạt được kết quả nhanh chóng. Ngoài ra, việc dùng cá diệt bọ gậy muỗi sẽ kém hiệu quả nếu ở môi trường nước có nhiều cây cỏ; nếu có nhiều cây cỏ thì phải nhổ bỏ sạch. Ở một số môi trường đặc biệt, cần phải cung cấp thêm thức ăn cho cá…

“Bên cạnh đó, dùng cá diệt bọ gậy muỗi chỉ mang lại hiệu quả khi có nhiều cá thích nghi với môi trường và mặc dù có môi trường thích nghi, nhưng không phải lúc nào cá cũng diệt được hết bọ gậy muỗi; muỗi vẫn có thể sinh sản nhưng mật độ thấp hơn. Để có hiệu quả tốt, cần phối hợp thêm các biện pháp khác như dùng hóa chất diệt bọ gậy muỗi không có hại đối với cá”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà”, ông Sơn cho biết thêm.

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích