Chủ đầu tư quyết định mức độ áp dụng BIM
Chủ đầu tư quyết định mức độ áp dụng BIM
Lộ trình bắt buộc áp dụng BIM không quy định cụ thể về áp dụng 4D BIM, 5D BIM, 6D BIM hay 7D BIM, mà chỉ yêu cầu lựa chọn nội dung áp dụng BIM làm sao đạt mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023.
Không yêu cầu bắt buộc áp dụng 4D BIM, 5D BIM, 6D BIM hay 7D BIM
Theo tài liệu hướng dẫn chung ban hành kèm theo Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố hướng dẫn chung áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM), BIM có thể hiểu là “việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hóa các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình”.
Như vậy, BIM về cơ bản sẽ xoay quanh các mô hình thông tin 3D (3 chiều/3-dimension gồm dài, rộng, cao) được cập nhật và sử dụng trong suốt vòng đời của công trình.
Với bối cảnh phát triển không ngừng của công nghệ kéo theo sự phát triển của BIM, nhiều yếu tố đã được tích hợp vào quy trình BIM tạo nên các khái niệm mang tính học thuật như: 4D BIM, 5D BIM, 6D BIM, 7D BIM, trong đó mỗi một yếu tố được quy ước thành một chiều (dimension) mới.
Trong đó, có thể hiểu 4D BIM là mô hình BIM được tích hợp thêm yếu tố thời gian nhằm quản lý tiến độ công trình, cho phép nhà thầu tính toán và kiểm soát tiến độ thi công, nguồn cung và nhân lực trong quá trình thi công; 5D BIM là mô hình 4D BIM tích hợp thêm yếu tố chi phí và hao phí, được ứng dụng để lập dự toán chi phí, kiểm soát vốn cho dự án; 6D BIM là một nâng cấp của mô hình 5D BIM nhằm kiểm soát thêm yếu tố năng lượng trong và ngoài công trình như các chỉ số: năng lượng, nhiệt độ, ánh sáng của công trình; 7D BIM là mô hình BIM tích hợp thêm thông tin về các thiết bị được sử dụng trong công trình với độ chi tiết cao dùng trong việc bảo trì bảo dưỡng trong quá trình vận hành của công trình…
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam mới bắt đầu bắt buộc áp dụng BIM cho các dự án đầu tư công theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng, đã có không ít ý kiến của các địa phương, BQLDA băn khoăn về các thuật ngữ: 4D BIM, 5D BIM, 6D BIM, 7D BIM.
Bởi, tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, quy định việc áp dụng BIM trong quá trình thiết kế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thiết kế; tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa các bên như: cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng.
Việc áp dụng BIM trong quá trình thi công xây dựng nhằm hỗ trợ xây dựng phương án tổ chức thi công, tổ chức và quản lý các nguồn lực trong quá trình xây dựng, kiểm soát chất lượng xây dựng.
Việc áp dụng BIM trong quá trình nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình nghiệm thu, phục vụ cho giai đoạn quản lý, vận hành công trình xây dựng.
Mặc dù vậy, theo điểm đ khoản 3 Điều 1 của Quyết định số 258/QĐ-TTg, “Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định”.
Nói cách khác, mặc dù Chính phủ quy định việc áp dụng BIM trong vòng đời dự án từ khâu thiết kế, đến thi công và nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng như tại khoản 2 Điều 1
Quyết định số 258/QĐ-TTg, nhưng nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.
Lựa chọn áp dụng BIM phù hợp, hiệu quả
TS Nguyễn Phạm Quang Tú – Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Tổ phó thường trực Ban Chỉ đạo BIM cho biết, trên cơ sở lợi thế của BIM, những yêu cầu quản lý dự án, chủ đầu tư có thể chủ động lựa chọn nội dung áp dụng BIM. Chính phủ không yêu cầu cứng trong lộ trình phải áp dụng 4D BIM hay 5D BIM…
TS Nguyễn Phạm Quang Tú cũng cho rằng, nếu yêu cầu nội dung áp dụng cứng sẽ rất khó cho các chủ đầu tư, kể cả tư vấn, thậm chí có thể dẫn tới lãng phí nguồn lực nếu dự án chỉ yêu cầu áp dụng 3D BIM để kiểm tra về chất lượng sản phẩm thiết kế, tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa các bên. Trong khi đó, nếu áp dụng đến 4D BIM là tích hợp thêm yếu tố thời gian nhằm quản lý tiến độ công trình, kiểm soát tiến độ thi công, nguồn cung và nhân lực trong quá trình thi công; 5D BIM là mô hình 4D BIM tích hợp thêm yếu tố chi phí và hao phí để lập dự toán chi phí, kiểm soát vốn cho dự án…
Theo TS Phan Hữu Duy Quốc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Searefico E&C, áp dụng 4D BIM, 5D BIM, 6D BIM hay 7D BIM phụ thuộc vào nhu cầu của chủ đầu tư đối với từng dự án.
Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, ThS Phạm Phú Đức – Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) chia sẻ: Chúng tôi đã phải giải thích cho rất nhiều chủ đầu tư về 4D BIM, 5D BIM, 6D BIM hay 7D BIM và cũng mất một khoảng thời gian để giải thích cụ thể thời điểm áp dụng phù hợp. Chúng tôi khuyến nghị phải cân nhắc việc áp dụng BIM đến mức độ nào và điều phối việc áp dụng BIM phù hợp với thực trạng hiện tại của dự án cũng như nguồn lực tài chính cho dự án.
Vậy, các nước đã thành công trong việc áp dụng BIM trên thế giới đã bắt đầu áp dụng BIM như thế nào? Bà Trương Thùy Linh – Phụ trách phát triển khối kiến trúc và xây dựng Việt Nam, Autodesk Asia Pte Ltd khuyến nghị: Các đơn vị thành công trên thế giới đều đã từng trải qua nhiều bước và họ luôn phải đi từ việc áp dụng 3D BIM.
Như vậy, các chủ đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng cơ sở vững chắc cho các yếu tố khung sườn với 3D BIM trong giai đoạn mới bắt đầu. Theo thời gian, khi dự án yêu cầu, chủ đầu tư yêu cầu, chúng ta sẽ có nền tảng vững chắc cho phát triển 4D BIM hay 5D BIM…
6 bước để triển khai tiến trình áp dụng BIM
Thực tế, tài liệu hướng dẫn chung áp dụng BIM ban hành kèm theo Quyết định số 348/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã hướng dẫn khá chi tiết, cụ thể tiến trình triển khai áp dụng BIM, gồm 6 bước: Xác định nội dung áp dụng BIM; lựa chọn đơn vị thực hiện; chuẩn bị thực hiện cho nhóm dự án; xây dựng/phát triển và ứng dụng mô hình BIM; kiểm tra, nghiệm thu mô hình BIM; lưu trữ mô hình và đánh giá quá trình thực hiện.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, ý chí của lãnh đạo là yếu tố tiên quyết, không chỉ góp phần trọng yếu thúc đẩy việc áp dụng BIM, mà còn là yếu tố quyết định sự thành bại trong việc áp dụng BIM ở mỗi dự án, mỗi địa phương.
Một chuyên gia tại một địa phương chia sẻ, cách đây vài năm, Giám đốc Sở Xây dựng ở địa phương này là người rất quyết liệt trong việc chỉ đạo áp dụng BIM cho một số dự án vốn đầu tư công tại địa phương. Tuy nhiên, khi vị Giám đốc này được điều động nhận nhiệm vụ khác thì các dự án đầu tư công đang áp dụng BIM không được tiếp tục áp dụng BIM nữa bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên và đáng kể là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt.
Tuy nhiên, phóng viên nhận thấy, so với nhiều địa phương khác trong cả nước, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức của địa phương này chủ động quan tâm và đăng ký tham gia Hội thảo về BIM do Tạp chí Xây dựng tổ chức ngày 01/4/2023. Điều này cho thấy, mặc dù vị Giám đốc Sở Xây dựng do khách quan đã không đi đến cùng việc đưa BIM vào các dự án vốn đầu tư công tại địa phương những năm trước đây, nhưng sự quyết tâm của vị Giám đốc này trong áp dụng BIM đã là một tiền đề góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân ở địa phương này tìm hiểu về việc áp dụng BIM cho các dự án đầu tư công sắp tới.
Ông Phạm Trường Giang – Trưởng phòng BIM & Engineering, Shimizu Việt Nam nhấn mạnh: Nhân tố thúc đẩy, bắt đầu của áp dụng BIM xuất phát đầu tiên từ chí hướng của lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xây dựng ngay một bộ máy chuyên về BIM là khó nên hãy bắt đầu bằng một dự án cụ thể để BIM có thể được ứng dụng trong thực tiễn.
TS Phan Hữu Duy Quốc đánh giá, có sự tương đồng rất lớn giữa các đơn vị như: Coteccons, Xuân Mai Corp hay CDC Đà Nẵng, đều bắt đầu áp dụng BIM từ khoảng thời gian 2014 – 2015, đến nay là 6 – 7 năm, các đơn vị này đã ở trạng thái nắm rõ mọi vấn đề về BIM và có khả năng áp dụng 4D BIM, 5D BIM, thậm chí 6D BIM, 7D BIM nếu chủ đầu tư, dự án đặt ra yêu cầu.
Tại những doanh nghiệp như Coteccons hay Xuân Mai Corp, ngay cả khi chủ đầu tư không yêu cầu nhưng để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đặc biệt là ở những dự án phức tạp, có sự phối hợp của nhiều bộ môn, doanh nghiệp vẫn chủ động áp dụng đến 4D BIM hay 5D BIM…
Nói cách khác, việc áp dụng đến 4D BIM hay 5D BIM và hơn thế nữa, dường như đã trở thành yếu tố cốt lõi bảo đảm sự phát triển bền vững cho thương hiệu của những doanh nghiệp như Coteccons hay Xuân Mai Corp.
Như vậy, đối với doanh nghiệp mới bắt đầu áp dụng BIM sẽ có thuận lợi hơn các doanh nghiệp đi trước nhờ đã có những công trình áp dụng BIM là ví dụ tham khảo, có kinh nghiệm áp dụng BIM được đúc kết, các doanh nghiệp mới áp dụng BIM sẽ không phải mất nhiều thời gian.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị