Chủ đầu tư Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt liệu có xem thường pháp luật?
(Xây dựng) – Sau phản ánh của Báo điện tử Xây dựng về sai phạm tại điểm dừng chân Eco Zone Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): “Xin trồng tre nhưng ‘lách luật’ biến thành điểm dừng chân”, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND huyện Khánh Vĩnh kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND về vấn đề trên.
Điểm dừng chân này nằm trên trục đường Quốc lộ 27C từ Nha Trang đi Đà Lạt, đoạn đi qua thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh. |
Ngang nhiên xây thêm nhà trái phép
Theo phản ánh của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trên diện tích 1,8ha đất trồng cây lâu năm, bà Nguyễn Huỳnh Thảo My xin phép Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa trồng cây tre tầm vông. Tuy nhiên lại biến diện tích xin trồng tre này thành điểm dừng chân, du lịch với mục đích kinh doanh mang tên Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt.
Theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, toàn bộ thửa đất mà bà Thảo My xin trồng tre đều được quy hoạch là đất trồng cây lâu năm.
Trước thông tin sai phạm tại điểm dừng chân trên, ngày 07/5/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa có Công văn số 3744/UBND-XDNĐ chỉ đạo huyện Khánh Vĩnh kiểm tra, kịp thời xử lý các công trình xây dựng vi phạm. Trước đó, ngày 19/4/2021, Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng đã chuyển Công văn số 1073/SXD-TTra về việc kiểm tra, xử lý đối với các công trình xây dựng vi phạm.
Đến ngày 24/5/2021, UBND huyện Khánh Vĩnh đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng vi phạm tại điểm dừng chân Ecozone Nha Trang – Đà Lạt.
Thông tin từ UBND huyện Khánh Vĩnh, gần 1,8ha đất trồng cây lâu năm để làm điểm dừng chân Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt gồm tất cả 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 03 chủ đất khác nhau.
Trong đó: Ông Văn Dũng Chinh là chủ sở hữu trên 2.000m2 đất trồng cây lâu năm; bà Trần Thị Thu Hiệp sở hữu 1.148m2 đất trồng cây lâu năm và bà Nguyễn Thị Bích Chi sở hữu hơn 23.000m2 đất trồng cây lâu năm.
Ngày 01/4/2021, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Khánh Vĩnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 37F8000628 cho điểm dừng chân Ecozone đi vào hoạt động.
Cũng theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Khánh Vĩnh, các công trình xây dựng tại EcoZone không có giấy phép.
Hiện, một mặt chủ đầu tư điểm dừng chân trên đang nộp hồ sơ xin gia hạn thời gian tháo dỡ công trình sai phạm. Mặt khác, qua kiểm tra mới đây của UBND huyện Khánh Vĩnh, đoàn kiểm tra phát hiện chủ đầu tư xây dựng thêm 01 công trình có kết cấu móng đá chẻ, mái lợp tôn, tường xây gạch blook, diện tích khoảng 60m2 làm kho để chứa vật dụng.
Phía trên đỉnh đồi, chủ điểm dừng chân Eco Zone vẫn cho hoàn thiện các công trình kiên cố, như một động thái xem thường pháp luật. |
Qua đó, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi, có hay không sự việc “con voi chui lọt lỗ kim” tại điểm dừng chân Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt? Vì sao có thể tồn tại một điểm dừng chân sừng sững xây dựng sai phép trên nền đất trồng cây lâu năm mà suốt thời gian dài chính quyền xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh không biết? Vì sao, sau khi bị chính quyền huyện Khánh Vĩnh kiểm tra, xử lý nhưng chủ đầu tư điểm dừng chân này vẫn nghiễm nhiên, công khai xây dựng thêm một ngôi nhà kiên cố có diện tích khoảng 60m2 trên thửa đất trồng cây lâu năm? Liệu chủ đầu tư có bất chấp, xem thường pháp luật hay còn có điều gì khuất tất?
Đừng tạo tiền lệ xấu
Trước sai phạm ngang nhiên tại điểm dừng chân Eco Zone Nha Trang – Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Cầu Bà tạm dừng mọi hoạt động cải tạo đất của bà Thảo My khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cũng theo ông Thuận, Chủ tịch UBND xã Cầu Bà phải ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ, để làm farmstay, thì phải lập dự án đầu tư… và phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. |
Liên quan đến sai phạm này, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết: “Nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ, thì cần phải được xử lý”.
Các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ, để làm farmstay, thì phải lập dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về du lịch, phải phù hợp với quy hoạch và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu yêu cầu các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.
Nguồn: Báo xây dựng