Chủ đầu tư cam kết chấn chỉnh vụ trùng tu tháp Chăm 1.000 năm tuổi

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho rằng việc tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít không xâm hại di tích nhưng xin tiếp thu, rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ chấn chỉnh.

Ngày 12/3, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, thông tin về một số vấn đề liên quan đến dự án tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước).

Ông Chánh thừa nhận quá trình thi công mái taluy khu di tích chủ trương chỉ cho phát quang bụi rậm, lùm cây xung quanh. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, nhà thầu đã sử dụng máy đào đứng trên bệ cao với cần để múc các bụi rậm hai bên tháp Cổng.

chu dau tu cam ket chan chinh vu trung tu thap cham 1000 nam tuoi
Toàn cảnh cụm di tích tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) trong giai đoạn tôn tạo, trùng tu. Ảnh: Minh Hoàng.

Sau khi tháo dỡ tấm đan, trong đống gạch vỡ, công nhân phát hiện một mảnh đá màu đen xám chạm khắc, hình dáng không rõ ràng. Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phối hợp đơn vị thi công, tư vấn giám sát lập hồ sơ báo cáo, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định và sẽ nhờ các chuyên gia giám định theo quy định của Luật Di sản.

Trước tình hình này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao (chủ đầu tư dự án) và Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu nhà thầu đưa máy đào ra khỏi công trường. Chủ đầu tư tiếp thu, ghi nhận và đã yêu cầu đơn vị thi công dừng và đưa máy ra khỏi khu vực.

Dù khẳng định việc thi công trùng tu không xâm hại di tích tháp Bánh Ít nhưng lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao xin tiếp thu, rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến việc xây dựng công trình này.

Sở cho biết sẽ nghiêm túc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc quản lý, điều hành thi công đúng giải pháp và phù hợp với điều kiện thực tế.

chu dau tu cam ket chan chinh vu trung tu thap cham 1000 nam tuoi
Các đơn vị thi công đào xới, tập kết vật liệu ngổn ngang xung quanh tháp… làm biến dạng khu vực di tích. Ảnh: Minh Hoàng.

Về vấn đề này, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu không thi công bằng thiết bị cơ giới ở khu vực các tháp vùng bảo vệ vòng 1 di tích tháp Bánh Ít (không san gạt, đào bới). Trước mắt, các đơn vị thi công tạm dừng các công việc liên quan đến các sân trên tháp tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia trong quần thể tháp Bánh Ít.

Ông Giang giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan dến các việc xây dựng trên sân tháp.

Cụ thể, bỏ việc xây dựng bồn hoa sát chân tháp mà dư luận không đồng tình; lát nền xung quanh các tháp đảm bảo về quy mô (vật liệu, chiều dày), không làm ảnh hưởng đến giá trị của các tháp.

Cụm di tích tháp Bánh Ít được xây vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12, xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1982. Cụm tháp Chăm nghìn năm tuổi này được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh. Hàng năm, tháp Bánh Ít thu hút hàng nghìn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch.

Trước tình hình cụm tháp xuống cấp, tháng 9/2021, UBND tỉnh Bình Định chủ trương tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít. Công trình do Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn 25,6 tỷ đồng. Ngày 27/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công cho đến nay.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, cựu Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho hay việc đưa máy móc, thiết bị cơ giới vào thi công, đào bới, tác động đến khu vực xung quanh tháp Bánh Ít như thời gian gần đây là xâm hại, phá vỡ cảnh quan di tích rất nghiêm trọng.

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ cụm di tích Tháp Bánh Ít.

Hiện ở miền Trung, Tây Nguyên còn 21 di tích đền tháp Chăm, đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó nhiều nhất là Bình Định (7 cụm đền tháp) và Quảng Nam (5 đền tháp, trong đó có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn).

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích