Chống ngập úng đô thị: Cần ứng dụng bê tông xanh thân thiện môi trường
Chống ngập úng đô thị: Cần ứng dụng bê tông xanh thân thiện môi trường
Việc áp dụng các vật liệu “xanh” theo hướng xã hội hóa, vừa hiệu quả trong giải pháp chống úng ngập cho các đô thị, vừa giảm ngân sách cho nhà nước lụt là một đòi hỏi mang tính bức thiết.
Nhận định các đô thị thường bị ảnh hưởng lớn nhất bởi tình trạng ngập lụt cục bộ mỗi khi có mưa lớn, giới chuyên gia cho rằng việc áp dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường góp phần chống ngập hiệu quả là đòi hỏi bức thiết trong tình trạng hiện nay.
Nhận diện ngập úng đô thị
Tại hội thảo “Xu hướng công nghệ – Vật liệu trong công trình xây dựng” do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 28/9, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà nhấn mạnh những năm qua, tình trạng “đường biến thành sông” do ngập lụt ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra rất phổ biến.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập lụt ở các đô thị, là do hệ thống thoát nước đô thị hiện nay đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng lưu lượng thoát nước mưa; thậm chí tại một số đô thị chưa có giải pháp tổng thể để xử lý ngập úng.
Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đã và đang làm gia tăng áp lực lên hệ thống thoát nước, đặc biệt là vào mùa mưa, lượng nước mưa đổ về các tuyến cống quá lớn, gây ra hiện tượng ngập úng.
Đơn cử như tại Thủ đô Hà Nội, do quá trình đô thị hóa quá nhanh, nhiều diện tích ao, hồ bị san lấp, nhường chỗ nhà nhà cao tầng, đã khiến tình trạng úng ngập ngày một nhức nhối. Thống kê sơ bộ cho thấy hiện thành phố vẫn còn 16 điểm ngập sâu khi có những cơn mưa lớn. Hệ quả do mưa gây ra là tắc đường nghiêm trọng, phá hủy tài sản (xe ôtô, xe máy bị chết máy), ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo ông Tân, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống của người dân. Tại thành phố này, đã từng xuất hiện những đợt mưa kéo dài gây ngập toàn thành phố, giao thông tê liệt; nhiều bãi gửi xe máy bị ngập hàng nghìn chiếc, có điểm ngập sâu trên 1m.
Ngoài Thủ đô và trung tâm kinh tế, tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, tại hầu hết các thành phố lớn trên cả nước cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt nặng nề như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng, Đà Lạt,…
Thực tế cho thấy tình trạng ngập úng tại các đô thị đã gây ra ách tắc giao thông; nguy hiểm tính mạng người dân; nhiều cơ sở sản xuất dịch vụ ngừng hoạt động; du lịch bị ngừng trệ; gây ô nhiễm môi trường, chi phí dọn dẹp, xứ lý cao; nhiều khu vực bị ngập kéo dài, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn do thiếu nước sạch…
“Hậu quả của thực trạng trên là hàng năm thiệt hại do ngập úng theo tính toán sơ bộ lên tới hàng nghìn tỷ đồng,” ông Tân nói.
Chống ngập từ kinh nghiệm thế giới
Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến tham gia hội thảo cho rằng việc áp dụng các vật liệu “xanh” theo hướng xã hội hóa, vừa hiệu quả trong giải pháp chống úng ngập cho các đô thị, vừa giảm ngân sách cho nhà nước lụt là một đòi hỏi mang tính bức thiết.
Trên phương diện cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho biết sản xuất vật liệu xây dựng ngày nay đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.
Minh chứng là ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050. Mục tiêu của chiến lược là sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm năng lượng, vật liệu có sức cạnh tranh cao, loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiều tài nguyên…
Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu, sản xuất một số loại vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ngầm, đảm bảo chất lượng, mang lại hiệu quả như bằng vật liệu bê tông hữu cơ polymer (hay còn gọi là bê tông xanh là một vật liệu tổng hợp bao gồm các cốt liệu thông thường như cát, đá sỏi và chất kết dính polyme hữu cơ tổng hợp).
Trên thực tế, các loại vật liệu góp phần chống ngập như polymer cũng đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng vào các công trình quan trọng.
Đơn cử như tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia đã sử dụng mô hình chống ngập là hầm đường bộ thoát nước bên dưới những con đường. Singapore thì chống ngập bằng cách xây dựng hệ thống hồ điều hòa vệ tinh, hồ điều hòa tập trung lớn để chứa nước mưa và sử dụng.
Còn ở Thủ đô Tokyo (Nhật Bản), các giải pháp được sử dụng là xây dựng hệ thống dẫn nước ngầm, dẫn nước từ sông nhỏ ra sông chính Endo và xây dựng hệ thống giếng chứa nước ngầm.
Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp được Bộ Xây dựng mời tham dự và chia sẻ tại hội thảo cũng đã giới thiệu một số loại vật liệu xây dựng góp phần chống úng ngập, có thể sử dụng tại các đô thị của Việt Nam.
Đơn cử như việc sử dụng bể ngầm thu gom nước mưa chống ngập bằng polimer, qua đó góp phần giải quyết 3 vấn đề chính tại các đô thị hiện nay là: Thu gom, chứa nước mưa, tái sử dụng cho các hoạt động con người; giảm áp lực cho hệ thống thoát nước đô thị đầu cơn mưa; giảm ngập lụt đô thị do nước mưa đổ dồn từ khu vực cao sang khu vực trũng của thành phố.
Tuy nhiên, để ứng dụng được các sản phẩm vật liệu xây dựng trên, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) để bù đắp diện tích bê tông hóa bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh kiến nghị các công trình ở khu vực đô thị cần phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước mưa chảy về vùng trũng.
Cùng với đó, các địa phương cần cấm một số dịch vụ kinh doanh sử dụng nước máy rửa xe, rửa đường, rửa nền, bắt buộc dùng nước mưa tái sử dụng thay thế./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị