“Chóng mặt” với giá vật liệu xây dựng nửa đầu năm 2022
Giá sắt thép tăng cao hơn 35%, xi măng, gạch, ngói, kính, nhôm… đồng loạt tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng mấp mé bên bờ vực thua lỗ.
Ngành xây dựng nói chung và VLXD nói riêng đã và đang trải qua 6 tháng đầu năm 2022 đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine. Các yếu tố bất ổn trên vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá VLXD trong giai đoạn này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất trong quý II tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, ghi nhận chỉ số giá mặt hàng này tăng mạnh 6,04%.
Xi măng tiếp tục tăng giá
Xi măng là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Nhờ hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng trong giai đoạn này nên sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước tăng đáng kể, đạt 42 triệu tấn.
Nhu cầu trong nước phục hồi, song giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng cao đang gây áp lực cho các doanh nghiệp xi măng trong nước.
Cụ thể, từ giữa tháng 6, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000 – 80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. Đây là lần thứ ba trong năm nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán.
So với hai đợt trước, lần điều chỉnh tăng giá bán này hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp. Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị điều chỉnh.
Tuy nhiên, biên độ tăng lần này thấp hơn so với đợt tháng 3. Thời điểm đó, các doanh nghiệp chủ yếu tăng giá xi măng khoảng 100.000 đồng/tấn, có thương hiệu xi măng tăng giá đến 150.000 đồng/tấn. Còn so với mức tăng thêm 60.000-80.000 đồng/tấn hồi tháng 5, đợt điều chỉnh này có bước giá cao hơn.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35 – 40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.
Cũng trong giai đoạn này, giá bán xi măng cũng đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung khi chỉ có 8 nhà máy xi măng tại đây với công suất đạt gần 12 triệu tấn tại đây trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.
Theo VNCA, giá bán xi măng bình quân tại khu vực miền Trung trong tháng 5 có giá cao nhất, lên đến 19,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 13,2 – 16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.
Giá thép quay đầu giảm nhiệt
Trái ngược với đà tăng của xi măng, sau chuỗi ngày dài tăng liên tiếp từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu hạ nhiệt.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thép thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm trong ngày 27/6 với mức giảm thêm 300.000 đồng/tấn. Đây là lần giảm giá thứ 7 kể từ ngày 11/5. Tính từ đầu năm, giá thép xây dựng trong nước trải qua 14 lần điều chỉnh, trong đó 7 lần tăng tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.
Tương tự, sau 7 lần giảm liên tiếp trong thời gian gần đây, giá thép giảm đến 2,8 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện mặt bằng giá chung của các thương hiệu thép xây dựng đã về mức dưới 17 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát miền Bắc được điều chỉnh giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 16,5 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Hòa Phát điều chỉnh giảm hai loại thép trên lần lượt là 50.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn, xuống còn 16,6 triệu đồng/tấn và 16,8 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, Hòa Phát cũng thông báo điều chỉnh giảm thêm 200.000 đồng/tấn với thép D10 CB300 xuống còn 16,8 triệu đồng/tấn nhưng giữ nguyên giá bán thép cuộn CB240 ở mức 16,5 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép miền Nam cũng đồng loạt giảm 200.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 16,7 triệu đồng/tấn và 17,2 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Kyoei cũng giảm 200.000 đồng/tấn với thép CB240 và và 210.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, lần lượt còn 16,2 triệu đồng/tấn và 16,6 triệu đồng/tấn. Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 150.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, còn 16,3 triệu đồng/tấn và 16,7 triệu đồng/tấn.
Việc giá thép giảm là điều đáng mừng, bởi ngành xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường VLXD, trong đó thép chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, những đợt hạ nhiệt giá thép những ngày gần đây cũng sẽ khó giúp nhà thầu xây dựng trong nước giảm bớt khó khăn, bởi ngoài thép thì hầu hết các mặt hàng VLXD khác như cát sỏi, gạch xây dựng đều tăng chóng mặt.
So với thời điểm đầu năm, giá các loại gạch xây dựng đã tăng 7 – 8%, gạch ngói tăng từ 8 – 10%, gạch ốp lát tăng đến 15%. Tương tự, cát sỏi cũng tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm. Sự tăng giá mạnh của các mặt hàng VLXD khiến những người có nhu cầu xây dựng thời điểm này phải cân đo đong đếm “túi tiền” bởi nhiều chi phí khác cũng tăng.
Đáng lo hơn, “bão giá” VLXD đang ảnh hưởng đến tiến độ thi công của hầu hết các công trình xây dựng hiện nay. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ vì không thể giải ngân.
Trước tình trạng giá VLXD có nhiều biến động, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các loại VLXD, đặc biệt là nguyên, vật liệu cung ứng cho các công trình xây dựng trọng điểm./.