Chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuộc chiến giữa con người với con người

Hiện nay, phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngày càng tinh vi khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. 

1
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 78% người dùng Internet tại Việt Nam có tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn và các nền tảng thương mại điện tử.

Hàng giả được mua – bán trên mạng là mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều.

Đánh giá chung về thực trạng trong công tác phòng, chống và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thương mại điện tử, kinh doanh hàng hóa online hiện nay đã chi phối rất nhiều trong cuộc sống, đòi hỏi lực lượng chức năng phải kịp thời nắm bắt, có phương pháp kiểm soát phù hợp thực tế. Do đó, ngày 29/3/2023, Đề án đã được Chính phủ phê duyệt theo đệ trình của Bộ Công Thương.

Cũng theo vị này, khoảng 2 năm trở lại đây, thương mại điện tử trở thành một trong những vấn đề lớn, tác động đến việc kinh doanh trực tiếp tại các cửa hàng, cửa hiệu.

Đơn cử như chợ Ninh Hiệp – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của hàng giả, hàng vi phạm với khoảng 2.000 hộ kinh doanh, hoạt động buôn bán tại đây luôn tấp nập với lượng hàng hóa luân chuyển vô cùng lớn, đưa đi khắp nơi trên cả nước. Thế nhưng, hiện nay, chợ Ninh Hiệp rất đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều cửa hàng đã đóng cửa trả lại mặt bằng cho thuê và chuyển sang bán hàng online. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, các mặt hàng bị làm giả trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian… nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị.

2
Chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuộc chiến giữa con người với con người. Ảnh internet.

Thượng tá Phạm Công Hải, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an thông tin, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Vi phạm điển hình là bán hàng giả của các nhãn hàng lớn liên quan đến hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử…

Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị… đã và đang diễn ra tràn lan. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội ảo rao bán trong các hội nhóm kín khí…

Đặc biệt, theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nguồn hàng vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng chủ yếu nhập lậu từ các cửa khẩu, các tuyến đường biên giới giáp ranh với Việt Nam. Các đối tượng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm… Các gói hàng không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để “qua mặt” lực lượng chức năng.

Vậy, ngăn chặn, phòng chống, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng như thế nào?

Bà Vũ Thị Minh Tú, đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada nêu: Lazada đã và đang thực hiện rất nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dựa trên 4 trụ cột chính: chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt, tập huấn cho nhà bán hàng, quản trị bằng công nghệ và hợp tác với các bên liên quan. Đặc biệt Nền tảng bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ của Lazada đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và phản hồi tích cực từ các thương hiệu và các bên liên quan.

3
Chống hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuộc chiến giữa con người với con người. Ảnh internet.

Trong khi đó, đối với hàng hóa nhập khẩu từ biên giới vào nội địa, bà Phạm Như Hà – đại diện Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan đề xuất, cần có các quy định cụ thể về định mức miễn thuế và các trường hợp được miễn kiểm tra chuyên ngành để giám sát, từng bước ngăn chặn hàng giả, hàng lậu từ biên giới vào nội địa.

Bởi hiện nay, pháp luật hiện hành quy định: hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có giá trị hải quan trong từng đơn hàng từ 2 triệu trở xuống và trên 2 triệu đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành. Nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96 triệu đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với việc miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Do vậy, bà Phạm Như Hà cho rằng, cần siết chặt hơn các quy định này bởi, chỉ cần từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng online từ nước ngoài về Việt Nam.

Từ các ý kiến nêu trên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) chia sẻ: Cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng  trên các nền tảng thương mại điện tử không hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật mà là cuộc chiến giữa con người với con người, sẽ rất khó để phân định ai chiếm ưu thế.

 Theo Thương Hiệu Và Công Luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích