Chống dịch như chống giặc và mục tiêu kép: Linh hoạt các ưu tiên

Không có gì khiến mọi người quan tâm bằng dịch bệnh. Đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 nhắm vào các trung tâm kinh tế của cả nước, khiến một số kế hoạch chiến lược phải được điều chỉnh.

chong dich nhu chong giac va muc tieu kep linh hoat cac uu tien
Dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng những doanh nghiệp bảo đảm an toàn vẫn được hoạt động.

Chiến lược không đổi, nhưng linh hoạt chiến thuật

Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ người đứng đầu Chính phủ, đã tuyên bố rằng Chính phủ vẫn giữ những nghị trình ưu tiên của mục tiêu kép, nhưng linh hoạt các ưu tiên theo không gian – các địa phương, và thời gian – tức là thời điểm thích hợp. Ông nhấn mạnh: Chúng ta ưu tiên mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng, nhưng tùy theo tình hình, vào thời điểm này tỉnh, thành này ưu tiên số 1 là chống dịch, và tỉnh thành khác – những nơi chưa có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao – thì ưu tiên cho sản xuất. Không nhất thiết mục tiêu kép phải thực hiện cùng lúc trong khi tình hình dịch bệnh thay đổi phức tạp khó lường.

Chiến lược không thay đổi, nhưng chiến thuật có thể thay đổi, theo kiểu “tùy cơ ứng biến”. Phương pháp “tác chiến” này trong cuộc chiến “chống dịch bệnh COVID-19” giúp các địa phương mạnh dạn xử lý tình huống. Tất nhiên, trách nhiệm của các vị “tư lệnh mặt trận” sẽ rất cao, rất nặng nề.

Thật ra, với biến thể Delta hiện nay, không “mặt trận miền” nào là yên tĩnh. Miền Bắc như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và nay là thủ đô Hà Nội. Miền Trung là Phú Yên, Đà Nẵng. Miền Nam thì TPHCM và 19 tỉnh thành Tây, Đông Nam Bộ. Nếu không có các chiến thuật linh hoạt các ưu tiên thì sẽ không thể “thần tốc” dập dịch và đẩy lùi đà lây lan đáng sợ của nó.

Ngày 24/7, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XV Bùi Văn Cường đã thay mặt Quốc hội tuyên bố: Trao quyền tự quyết cho Chính phủ trong các quyết sách chống dịch và giữ vững tăng trưởng kinh tế, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đời sống cũng như trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong bất cứ cuộc chiến nào, sức mạnh chỉ huy là yếu tố số 1 của chiến thắng. Trong thành công chống dịch ở giai đoạn đầu năm 2020, chính sự chỉ huy xuyên suốt từ trên xuống, đã đoàn kết người dân thành một khối vững chắc mà con virus không thể xuyên thủng, trở thành bài học cho nhiều quốc gia khác.

Sáu tháng đầu năm 2021, GDP của chúng ta vẫn giữ dấu cộng (5,64%), chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Mặc dù một số chuyên gia trong nước cho rằng khó dự báo GDP Việt Nam trong toàn năm 2021, nhưng tờ báo uy tín kinh tế của Anh, The Economist, ngày 23/7 vừa qua khẳng định Việt Nam vẫn lập kỷ lục khi giữ mức tăng trưởng 6% bình quân trong 5 năm tới (2021-2026).

Hiện nay, 3/4 hàng xuất khẩu của Việt Nam là do các công ty đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sản xuất. Phần còn lại từ khu vực nông nghiệp, thủy hải sản. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này để tăng cường hệ thống các “bắp thịt” của “cơ thể” kinh tế nội địa, trong đó đặc biệt là hệ thống quốc doanh và tư nhân. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ngày 25/7 đã cam kết trước Quốc hội sẽ phối hợp trong nỗ lực bổ sung một số bộ luật hướng đến kinh tế bình đẳng giữa các thành phần chủ sở hữu, trong thời gian chúng ta có được lợi thế cạnh tranh nhờ đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Sáu tháng còn lại của năm 2021, các kịch bản tăng trưởng sẽ được quyết định dựa trên tiền đề thành công chống dịch bệnh. Với phương pháp “linh hoạt ưu tiên”, mục tiêu tăng trưởng có thể mềm dẻo trong biên độ cho phép, để tránh áp lực quá nhiều cho các nhà thực thi chính sách.

Liều vaccine kinh tế

Dịch COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay làm đảo lộn tất cả trật tự cũ. Sáu tháng đầu năm nay, mặc dù các con số vĩ mô đều còn khá tốt. GDP tăng khá nhưng không có nghĩa đời sống của đông đảo người dân không giảm. Từ vĩ mô đến vi mô là cả một khoảng cách dài. Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, từ thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4 đã có gần 1.000 người lao động F0, khoảng 8.000 lao động là F1 và gần 11.500 lao động là F2 phải ngừng việc để cách ly.

Chúng ta đã có gói hỗ trợ lần 1 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP với tổng kinh phí hơn 32.694 tỷ đồng… Ngày 8/7/2021, Chính phủ quyết định gói hỗ trợ thứ hai 26.000 tỷ. Cộng hai gói là 58.694 tỷ đồng (khoảng 0,5% GDP).

Người xưa thường nói: Của cho không bằng cách cho. Ở đây là cách thức tổ chức phân bổ tiền đến tận tay người được nhận như thế nào cho kịp thời nhất. Điều đó cần một “thuật toán” quản lý khoa học nghiêm túc, một kế hoạch chuẩn bị với nhiều kịch bản và bảo đảm tính minh bạch, giản tiện nhất có thể. Vấn đề còn lại vẫn là tổ chức thực hiện sao cho khoa học, nhanh và an toàn, y như tiêm vaccine chống virus nCovi. Để làm được điều đó, chúng ta cần nhiều thuật toán quản trị hơn.

Một điểm nữa là các gói kích cầu và cứu trợ khẩn cấp từ ngân sách nhà nước, không chỉ giúp người nghèo “không bị bỏ lại phía sau”, mà còn giúp họ chi tiêu, bảo đảm cho nền kinh tế vẫn vận hành sinh động.

Vật lý liệu pháp và tâm lý liệu pháp cho bài toán chống dịch

Ngay khi kích hoạt cả hệ thống vào cuộc “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ luôn cảnh báo tâm lý “trên nóng dưới lạnh” hay “trên bảo dưới không nghe”. Tâm lý chủ quan càng cao khi đất nước đang trong trạng thái thời bình. Điều này cho thấy, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính giao trách nhiệm cho các lãnh đạo địa phương một cách quyết liệt trong chống dịch lần này, cũng là tránh tình trạng chủ quan thời bình đó. Họ chính là tư lệnh chiến trường, nên không thể ngồi văn phòng chống dịch. Nhân dân giãn cách, nhưng chính quyền không giãn cách.

Đích thân Thủ tướng Việt Nam đi thăm nhà máy Vinamilk khi đi kiểm tra, động viên công tác chống dịch tại tâm dịch TPHCM, ngay trong đầu tháng 7 vừa qua. Trước đó, ông cũng trực tiếp về Bắc Giang giữa lúc địa phương này đang gồng mình ứng phó với dịch bệnh, để thị sát và chỉ đạo hỗ trợ tỉnh nhanh chóng dập dịch và phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp.

Ngày 18/7/2021 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xuất hiện đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trong Thành phố là Bình Thới (Q.11), Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp) và Ngã Ba Bầu (Q.12). Việc lãnh đạo trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo kịp thời đã tạo sự tin tưởng trong nhân dân.

Chữa trị bệnh cần hai cách: Vật lý là các y bác sĩ, máy móc y tế và thuốc men; và hai là tâm lý liệu pháp, tức là niềm tin (đến từ mọi người, trong đó có những người đứng đầu trách nhiệm).

Hiện nay con số ca nhiễm của Việt Nam vượt qua ngưỡng 100.000, nhưng con số bình phục đạt gần 20.000, con số tử vong là 509 ca. Con số có thể còn tăng nhưng cuộc chiến đã thay đổi trạng thái.

Bác sĩ Eric Dziuban, giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nhận định Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần kiên trì thực hiện 5K trong bối cảnh chưa có nhiều vaccine để sử dụng tại thời điểm này. Sự linh hoạt là chúng ta cần đưa ưu tiên số 1 là làm chậm sự lây nhiễm, trong khi chờ tiêm vaccine cho 70% dân số.

“Dịch bệnh ở Việt Nam đã sang một giai đoạn mới nên cần áp dụng các biện pháp bổ sung trong khi vẫn phải hạn chế số ca nhiễm mới, kiểm soát các ổ dịch nhỏ, cần giảm tỉ lệ lây nhiễm, hạn chế tác hại của virus. Đó là lý do các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ đã được đưa ra, thật sự tập trung vào hệ thống y tế để đảm bảo hệ thống này không bị quá tải”, ông Dziuban nói trong cuộc trò chuyện trực tuyến với báo chí ngày 22/7.

Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chiến thắng dịch bệnh chỉ đến khi tất cả mọi người, từ Chính phủ đến người dân, từ người khỏe mạnh đến người bệnh, từ người đã tiêm vaccine đến người đang chờ đợi, cùng nhìn về một hướng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích