Chống dịch, đừng để “trên nóng, dưới lạnh”

Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương bị đình chỉ, điều chuyển công tác liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19.

chong dich dung de tren nong duoi lanh

Thông tin trên Báo Dân trí, sáng 2/8, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, vì không thực hiện đúng các quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, ông Tuấn đã ký quyết định cho 4 người trong một gia đình từ TPHCM về cách ly tại nhà, trong khi đó, theo quy định, họ phải thực hiện cách ly tập trung để phòng, chống dịch. Cả 4 công dân này sau đó đều được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Hệ quả quyết định của ông Chủ tịch phường là địa phương này có thêm 8 trường hợp F1, 10 trường hợp F2 và một khu phố liên quan đến ca nhiễm trên phải phong tỏa.

Liên quan đến vụ việc này, Bí thư Đảng ủy phường Lộc Sơn và một số cán bộ khác cũng đang bị đề nghị xem xét đình chỉ công tác do thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Trước đó, ngày 29/7, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng quyết định đình chỉ công tác 14 ngày đối với ông Hồ Ngọc Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm. Ông Trường đã đồng ý để một đối tượng F1 đang cách ly tập trung về nhà thăm vợ con. Kết quả xét nghiệm ngày hôm sau, F1 này được kết luận dương tính với SARS-CoV-2. Đáng buồn hơn, vợ của người đàn ông này sau đó được xác định mắc Covid-19.

Cũng liên quan đến hiệu quả công tác chống dịch trên địa bàn, bà Huỳnh Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã bị điều chuyển sang vị trí làm việc khác. Thời điểm cuối tháng 7, phường Hóa An đang đứng đầu trong các địa phương có ca mắc Covid-19 tại TP Biên Hòa nhưng chính quyền địa phương lại chưa có giải pháp quyết liệt, UBND TP Biên Hòa đã chỉ đạo nhiều lần nhưng chưa hiệu quả…

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nước ta đã kéo dài hơn 500 ngày. 500 ngày qua, cả nước là chiến trường, mỗi địa phương, mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình là một trận tuyến chống dịch, mỗi cá nhân là một chiến sĩ, tất cả đang dồn hết sức để giành thắng lợi trong cuộc chiến nóng bỏng và cam go này.

Bởi vậy, sự chủ quan và thiếu trách nhiệm của bất kỳ ai đều ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch, gây khó khăn, tốn kém cả về nhân lực, vật lực, cũng như thời gian…

Trở lại với các vị cán bộ lãnh đạo địa phương kể trên, họ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác phòng, chống dịch ở cơ sở. Bởi vậy nhận thức về nhiệm vụ, chức năng và trách nhiệm của mình phải cao hơn ai hết.

Hoan nghênh các địa phương đã có những biện pháp xử lý kịp thời đối với hành vi làm sai quy định trong công tác phòng, chống dịch. Tin rằng, bằng sự xem xét khách quan, toàn diện, việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu cơ sở nói trên không chỉ dừng lại ở mức “tạm đình chỉ công tác” mà sẽ có hình thức kỷ luật cao hơn để răn đe và làm gương.

Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế cũng như các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để khoanh vùng, khống chế, dập dịch cũng như ban hành nhiều chính sách để ổn định kinh tế, xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân. Trong cuộc chiến này, hàng vạn, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã và đang căng mình, quên ăn, quên ngủ, tận tâm, tận lực vì một mục tiêu duy nhất là sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Cuộc chiến chống Covid-19 được đánh giá vẫn đang tiếp tục cam go, phức tạp. Không thể để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, ảnh hưởng đến thành quả cuối cùng mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang gắng sức, dốc lòng thực hiện.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích