Chống biến đổi khí hậu: Cuộc chiến “hụt hơi” và những nút thắt khó gỡ

Chống biến đổi khí hậu: Cuộc chiến “hụt hơi” và những nút thắt khó gỡ

Trong khi mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C ngày càng xa vời, thì những nút thắt đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu càng lúc càng nhiều hơn, khó gỡ hơn.

“Cảnh báo đỏ” cho nhân loại

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP28 tại Dubai (UAE) từ ngày 30/11 đến 12/12 năm nay, Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo rằng thế giới đang trên đà hứng chịu tình trạng nóng lên “khủng khiếp”, với nhiệt độ toàn cầu dự kiến tăng thêm 3 độ C.

Cụ thể, “Báo cáo Khoảng cách phát thải hằng năm” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) dự đoán năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, đồng thời cho biết: “Thế giới đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng, tốc độ và quy mô của các kỷ lục khí hậu bị phá vỡ”.

chong bien doi khi hau cuoc chien hut hoi va nhung nut that kho go hinh 1
Một tài xế taxi tại Ấn Độ giải nhiệt giữa trưa, nắng nóng dữ dội hồi mùa hè năm nay tại Ấn Độ đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Ảnh: AFP

Khi tính đến kế hoạch cắt giảm carbon của các quốc gia, UNEP cảnh báo rằng hành tinh này đang trên đà nóng lên “một cách thảm khốc” từ 2,5°C đến 2,9°C vào năm 2100. Chỉ dựa trên các chính sách hiện hành và nỗ lực cắt giảm khí thải, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đạt tới mức tăng 3 độ C.

Như vậy, mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất đến năm 2100 tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, và tốt nhất là không quá 1,5°C được cộng đồng quốc tế thống nhất trong Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 gần như đã trở thành bất khả thi. Với mức tăng nhiệt độ mà Liên hợp quốc mô tả là “khủng khiếp” như hiện nay, các thiên tai và thảm họa tự nhiên là điều mà nhân loại sẽ phải đối mặt nhiều hơn trong thời gian tới.

Bà Inger Andersen – Giám đốc điều hành UNEP, cho biết: “Không có người nào hay nền kinh tế nào trên hành tinh này không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, vì vậy chúng ta cần ngừng lập những kỷ lục không mong muốn về khí thải, nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt”. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres, thì nhiều lần nói rằng, thế giới đang hướng tới một tương lai “địa ngục” với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Những kỷ lục buồn

Trên thực tế thì không cần đến những cảnh báo mới đây của Liên hợp quốc, nhân loại mới thấm thía về hậu quả của biến đổi khí hậu. Năm 2023 vừa qua là một năm mà thế giới liên tục chứng kiến những thiên tai thảm khốc và những kỷ lục khí hậu cực đoan nối đuôi nhau bị xô đổ.

Từ châu Á tới châu Âu, người dân vừa mới trải qua một mùa hè nóng khủng khiếp, hay nói đúng hơn là chưa từng nóng như vậy trong… 200 năm qua. Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á. Nhưng năm nay, nắng nóng đã đạt đến mức chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4°C vào ngày 15/4 vừa qua, trong khi nước láng giềng Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5°C trong hai ngày liên tiếp hồi tháng 5. Và kỷ lục mọi thời đại của Việt Nam đã bị phá vỡ vào tháng 5 với 44,2°C.

chong bien doi khi hau cuoc chien hut hoi va nhung nut that kho go hinh 2
Mưa lớn khiến lũ lụt bủa vây nhiều thành phố của Trung Quốc hồi tháng 8 năm nay. Ảnh: NBC

Không chỉ riêng Đông Nam Á, nhiệt độ cao kỷ lục theo mùa cũng được ghi nhận ở Trung Quốc và những nước Nam Á như Ấn Độ hay Bangladesh. Tại Trung Quốc, Thượng Hải đã trải qua ngày tháng 5 nóng nhất (36,1°C) trong hơn một thế kỷ vào hôm 29/5. Một ngày sau, một trạm thời tiết ở trung tâm sản xuất công nghệ phía Đông Nam của Thâm Quyến cũng ghi nhận kỷ lục tháng 5 là 40,2°C. Cái nóng như thiêu đốt tại Ấn Độ hồi tháng 6 năm nay cũng đã giết chết gần 100 người chỉ tính riêng tại các bang đông dân nhất là Bihar và Uttar Pradesh.

Tại châu Âu, cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu của Liên minh châu Âu (Copernicus) cho biết, mùa hè năm 2023 là mùa nóng kỷ lục từng được ghi nhận trong lịch sử. Khoảng thời gian ba tháng từ tháng 6 đến tháng 8 đã vượt qua các kỷ lục trước đó, với nhiệt độ trung bình là 16,8°C, cao hơn mức trung bình 0,66°C. Các nước Nam Âu, đặc biệt là Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha liên tiếp chứng kiến các kỷ lục nhiệt độ. Tại đảo Sicily của Ý, nhiệt độ có lúc đã lên tới 48,8 độ C (vào ngày 11/8), xô đổ cột mốc 48 độ C được thiết lập tại thủ đô Athens của Hy Lạp trước đó không lâu.

Nắng nóng làm bùng phát cháy rừng, tàn phá hàng chục nghìn hecta rừng tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và làm bay hơi hàng chục tỷ USD từ những nền kinh tế này. Cháy rừng cũng là nỗi ám ảnh với người Hawaii, khi gần 100 người tại đây thiệt mạng trong trận cháy rừng thảm khốc diễn ra hồi tháng 8, khiến hơn 850 hecta đất với cây cối nhà cửa trên hòn đảo du lịch này bị thiêu rụi. Chỗ này cháy, chỗ khác lại gặp bão lũ, tất cả cũng vì biến đổi khí hậu và sự nóng lên của Trái đất.

Thời gian không chờ đợi ai

Những dẫn chứng kể trên nhiều khả năng sẽ còn nối dài và gia tăng cường độ trong bài viết về đề tài này của số báo… Tết năm sau. Sở dĩ nói vậy, vì trong lúc tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, kinh tế thế giới lại chịu tác động tiêu cực của đại dịch cũng như các cuộc xung đột, khiến cộng đồng quốc tế ngày càng hụt hơi trong việc chinh phục mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C.

Báo cáo của UNEP cho biết, để đạt được mục tiêu 1,5 độ C như cam kết của Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 thì 22 tỷ tấn CO2 phải được cắt giảm vào năm 2030 so với tổng dự kiến ​​hiện nay. Đó là 42% lượng khí thải toàn cầu và tương đương với sản lượng khí thải của 5 quốc gia gây ô nhiễm nặng nhất thế giới: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản.

chong bien doi khi hau cuoc chien hut hoi va nhung nut that kho go hinh 3
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Antonio Guterres, liên tục kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters

Theo UNEP, nếu tất cả các cam kết dài hạn của các quốc gia nhằm cắt giảm lượng khí thải xuống mức 0 vào khoảng năm 2050 đạt được, thì mức tăng nhiệt độ toàn cầu có thể được giới hạn ở mức 2°C. Tuy nhiên, UNEP kết luận rằng những cam kết phát thải ròng bằng 0 này “hiện không được coi là đáng tin cậy”. Báo cáo của cơ quan này cho biết không quốc gia nào trong nhóm G20, vốn cùng nhau tạo ra 80% lượng khí thải CO2, đang giảm lượng khí thải với tốc độ phù hợp với mục tiêu “zero carbon” của họ.

Quả thực, với những nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, việc cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhằm giúp nền kinh tế phục hồi sau những năm đại dịch, và giảm phát thải xuống mức 0 là bài toán cực kỳ khó giải. Bởi việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch, vốn là nguồn máu nuôi sống các nền kinh tế bấy lâu nay, sang năng lượng xanh không chỉ cần thời gian mà còn cả những khoản đầu tư khổng lồ và những bước đi chính trị khôn ngoan. Ước tính, nguồn tài chính cần thiết dành cho việc chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển vào khoảng 1.300 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ lên đến 2400 tỷ USD vào năm 2030.

Trong khi đó, mẹ thiên nhiên thì không chờ đợi ai cả. Thế giới vẫn nóng lên và thiên tai vẫn tiếp tục dội xuống đầu nhân loại!./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích