Chọn lối đi riêng cho nghệ thuật sơn mài trên gỗ

Nghệ thuật trên nền tảng của người lao động

Xuất phát điểm là họa sĩ thiên hướng dân gian, nhưng Tấn Phát lại có thiên hướng nghệ thuật về người lao động và anh muốn xây dựng yếu tố nghệ thuật trên nền tảng của người lao động. Điều đó được thể hiện ở việc suốt mấy năm liền, anh kiên trì sáng tạo nghệ thuật điêu khắc trên gỗ với dự án 1010 chú trâu, hoàn toàn bằng thủ công với chất liệu sơn mài độc đáo và dự định trưng bày tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).

Chọn lối đi riêng cho nghệ thuật sơn mài trên gỗ
Họa sĩ, nghệ nhân Tấn Phát

Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê Sơn Tây, cách làng cổ Đường Lâm 3km nên họa sĩ Tấn Phát có tình cảm thân thiết với làng quê Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh con trâu. Từ nhỏ, anh đã được theo ông nội đi vẽ tượng, học tượng ở đền, chùa nên chất truyền thống và niềm đam mê, yêu mến văn hóa cổ truyền đã ăn sâu vào con người anh, đặc biệt là ở chất liệu sơn mài. Với Tấn Phát, ngoài chất liệu sơn bề mặt, sơn mài còn là vật liệu thuần Việt nhất, mang chất keo được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Cá nhân anh cũng theo đuổi sáng tác với chất liệu sơn mài hơn 20 năm qua.

“Mọi công đoạn chuẩn bị triển lãm 1010 chú trâu đã hoàn tất, thế nhưng làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến, dù đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào triển lãm này nhưng tôi cũng vui vẻ dừng ngay, mong dịch sớm qua để mọi người được thưởng lãm đàn trâu nghệ thuật của mình”, họa sĩ Tấn Phát cho biết.

Chọn lối đi riêng cho nghệ thuật sơn mài trên gỗ
Dự án 1010 chú trâu hoàn toàn bằng thủ công của nghệ nhân Tấn Phát.

Điểm nổi bật ở những tác phẩm do Tấn Phát tạo ra là anh đã đưa thành công chất liệu sơn mài lên gỗ, đó là một điều rất khó. Chất liệu anh sử dụng trong sản phẩm của mình được lấy hoàn toàn từ tự nhiên thân thiện với môi trường như gỗ, vỏ trai, vỏ trứng. Sơn mài mà anh sử dụng cũng có những nét riêng biệt và độc đáo. Với Tấn Phát, nghệ thuật anh theo đuổi mang tính chất tổng hợp. Muốn phát triển thành “nghệ sĩ đa phương tiện” anh đã tự làm tất cả mọi công đoạn: lên cốt, tự tạo dáng điêu khắc bằng gỗ, tự làm phần sơn mài, làm câu truyện cho tác phẩm của mình.

Có lẽ bởi thế mà những tác phẩm của Tấn Phát đều có có một câu chuyện riêng. Ví dụ cổng làng, hoa văn cổ, gác chuông trong chùa… đều được anh đưa vào sản phẩm tạo nên những câu chuyện sống động. Họa sĩ chia sẻ: “Với tôi, sơn mài và điêu khắc là những phương tiện giúp hướng tới giá trị văn hóa, tình yêu dân tộc, qua đó khơi dậy tình yêu sơn mài, làm nghề thủ công từ các bạn trẻ, tiếp thêm động lực theo đuổi nghề đến các bạn”.

Chọn lối đi riêng cho nghệ thuật sơn mài trên gỗ
Các tác phẩm độc đáo của nghệ nhân Tấn Phát

Là người hoạt động trong cả hai lĩnh vực họa sĩ và nghệ nhân đem lại cho Tấn Phát những lợi thế nhất định: Làm họa sĩ cho khả năng sáng tác tốt, nghệ nhân thì khả năng làm chủ nguyên liệu tay nghề cao, khi kết hợp được các yếu tố đó về góc độ nghề đã đưa ra được cách làm mới, tác phẩm chau chuốt tinh xảo.

Từ các khúc gỗ chơ vơ ở góc vườn, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã biến hình thành những chú trâu phủ sơn mài, dát vàng, bạc, quét màu lên và khảm trai, trang trí hoa văn tỉ mỉ, với bề ngoài giàu truyền thống văn hóa dân tộc, tinh tế. Trong đó có những tượng trâu độc đáo với sắc đỏ son, lưng cong lên tượng trưng cho mái vòm của cổng làng, mái nhà, mái đình và còn được hóa rồng. Qua hoa văn cổ, những chú trâu trở nên có hồn cốt hơn bao giờ hết. Ý tưởng thực hiện dự án 1010 tượng trâu sơn mài vốn xuất phát từ tác phẩm Trâu hoa Lạc Việt do anh sáng tạo và đoạt giải nhất nhóm sơn mài trong Cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ năm 2020.

“Theo đuổi sơn mài, cần sống như người nông dân”

Chọn lối đi riêng cho nghệ thuật sơn mài trên gỗ
Mỗi tác phẩm là một “câu chuyện” sinh động về trâu

Đó là quan điểm của họa sĩ Tấn Phát khi anh bắt đầu theo đuổi với nghệ thuật sơn mài. Bởi theo anh, nếu đặt vấn đề kinh tế lên tác phẩm thì chỉ cần đúc hàng loạt cái khuôn, rồi cứ thế mà “sản xuất” đại trà. Còn với anh, để làm ra 1010 con trâu, mỗi con một kiểu dáng, một linh hồn, một hơi thở… thì phải sống như một người nông dân, bình dị như cây cỏ.

Có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều đơn vị cũng đã làm hàng ngàn chú trâu để triển lãm, thậm chí còn làm theo kiểu dáng “dễ bán”. Còn với Tấn Phát, “chăn trâu” là một việc làm không thể đong đếm bằng giá trị kinh tế, mà đong bằng trái tim của “người nông dân” dành cho những “người bạn” đồng áng của mình. Bởi thế, nhìn vào tác phẩm của Tấn Phát mới thấy anh thực sự đang cháy hết mình với nghệ thuật.

Ngoài theo đuổi đam mê, Tấn Phát còn đứng lớp giảng dạy truyền đạt lại những kinh nghiệm về sơn mài trên gỗ cho học sinh của mình, năm 2018 anh khai giảng lớp truyền nghề sơn mài để truyền nghề cho những người yêu nghệ thuật. Trong mỗi bài giảng, anh đều muốn gửi gắm cho cho các bạn trẻ đã và đang muốn theo nghề truyền thống sơn mài: “Hãy tự đặt câu hỏi xem mình có thích sơn mài hay không và làm gì cũng phải chấp nhận đánh đổi thời gian, vật chất. Đã theo là theo đến cùng không nên bỏ cuộc, trân trọng giá trị lao động của mình, không nên làm ra những thứ mà đến một lúc nào đó chúng ta thấy hổ thẹn, phải dấu đi…”.

Chọn lối đi riêng cho nghệ thuật sơn mài trên gỗ
Nghệ nhân Tấn Phát chia sẻ về dự án 1010 con trâu với mong muốn dịch Covid-19 chấm dứt để trưng bày triển lãm tại Làng cổ Đường Lâm.

Yêu nghề và trăn trở với nghề, Tấn Phát cho rằng, ngày nay nhiều họa sĩ, nghệ nhân lao đọng nghệ thuật gian khổ, làm ra những tác phẩm đẹp, giá trị cao, nhưng lại không đủ “nuôi đam mê”, nuôi nghề, rồi những tác phẩm của mình lại được “bán” cho những đơn vị trung gian, bị lợi dụng tên tuổi để sản xuất đại trà, tác phẩm bị mất bản quyền…

Sắp tới, Tấn Phát sẽ cho ra mắt tác phẩm mang tên gọi “Sương mờ viễn xứ” với chất liệu sơn mài trên gỗ. Tác phẩm là sự tổng hòa giữa nghệ thuật thị giác với giá trị công năng. Ở đó người thưởng thức nghệ thuật vừa ngắm nhìn cảm nhận màu sắc, hình khối vừa tận hưởng cảm giác thư thái từ mùi hương trầm đốt đem lại.

Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1983, anh từng đạt được nhiều giải thưởng trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình: Giải Nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014 và 2019; Giải cao nhất cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam với tác phẩm “Trâu hoa làng Việt” năm 2020.

Năm 2017, Nguyễn Tấn Phát trở thành một trong những nghệ nhân trẻ nhất được vinh danh tại Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.

Nguyễn Thái

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích