Chính sách tài chính tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh
Thông tin từ Bộ Tài chính, thời gian qua đã có nhiều chính sách tài chính được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương về phát triển kinh tế xanh. Nhiều chính sách thuế, phí, lệ phí (gọi chung là thuế) hướng đến phát triển nền kinh tế xanh đã được xây dựng và liên tục hoàn thiện.
Hệ thống chính sách thuế hướng tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh được thể hiện thông qua 2 nhóm: Nhóm 1 là chính sách thuế hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường và Nhóm 2 là chính sách thuế hỗ trợ, khuyến khích hoạt động BVMT để tạo động lực thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh.
Chính sách tài chính tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh.
Để hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính đã xây dựng chính sách thuế bảo vệ môi trường với hàng hóa, sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilong, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường thu thuốc lá, xăng, xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi;
Đồng thời, áp dụng thuế nhập khẩu cao với các mặt hàng khi sử dụng phát thải trực tiếp ra khí gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác. Thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô, thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô.
Cùng với đó, áp dụng phí bảo vệ môi trường với khí thải, nước thải, khai thác khoáng sản, vừa góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách, vừa hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường,…
Bên cạnh các chính sách thuế nhằm hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường (nhóm 1), Bộ Tài chính cũng xây dựng nhiều chính sách thuế ưu đãi trong việc bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như: Miễn thuế đối với thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải lần đầu của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải; phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó; Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực BVMT; Ưu đãi thuế suất đối với sản phẩm thân thiện môi trường như xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường…
Như vậy, hệ thống chính sách thuế đã và đang được xây dựng và ngày càng hoàn thiện nhằm góp phần tạo khuôn khổ chính sách tài chính xanh, phát huy vai trò của từng chính sách thuế, phí, lệ phí trong việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững.
Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và ban hành nhiều chính sách ưu tiên chi NSNN cho tăng trưởng xanh (Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2017/TT-BTC; Thông tư số 342/2016/TT-BTC; Thông tư số 31/2023/TT-BTC ngày 25/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT…).
Đối với đầu tư công, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu, quy định chi tiết tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.
Về phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu xanh, năm 2017, Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và công bố Chỉ số phát triển bền vững (VNSI), hướng đến các mục tiêu xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết; hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư; tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế; xác định các tiêu chí về thông lệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán với yêu cầu mới về Báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội của công ty.
Phát triển thị trường trái phiếu xanh là một trong các nhiệm vụ đặt ra tại lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tại Chiến lược tài chính đến năm 2030. Để phát triển thị trường trái phiếu xanh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan xây dựng điều khoản về trái phiếu xanh tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định hướng dẫn. Khi phát hành trái phiếu xanh, doanh nghiệp được ưu đãi về giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán. Dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương phát hành cũng được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm….
Như vậy, có thể nói, thời gian qua, Bộ Tài chính đã quan tâm hoàn thiện chính sách tài chính nhằm cụ thể hóa các chủ trương và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh.
Phát triển thị trường các-bon trong nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại đóng góp do quốc gia tự quyết định theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và nhằm đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP 26.
Phương Nam