Chính sách phát triển công nghiệp ôtô: Quan trọng nhất là ổn định

Chưa làm chủ được công nghệ

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam có hơn 350 DN sản xuất liên quan đến ôtô, với tổng công suất lắp ráp khoảng 680.000 xe/năm.

chinh sach phat trien cong nghiep oto quan trong nhat la on dinh
Chính sách chưa hoàn thiện ảnh hưởng đến ngành sản xuất ôtô trong nước

Dưới tác động từ các chính sách mới, tiêu biểu là Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (NK) và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô lớn tại Việt Nam hướng tới thị trường trong nước và khu vực đã được khởi công, hoàn thành.

Đơn cử như: Tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô du lịch thương hiệu Mazda, ôtô tải, ôtô bus của Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ôtô du lịch và thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty CP Tập đoàn Thành Công…

Hiện, lượng ôtô NK ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2019 xe nhập về Việt Nam đã tăng 70% so với 2018, chủ yếu từ các nước trong khu vực ASEAN. Số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 8/2020, cả nước NK 4.078 ôtô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 96,6 triệu USD. Đáng chú ý, lượng NK trong nửa đầu tháng 8 gần bằng cả tháng 7 trước đó (4.760 xe) và xấp xỉ với cùng kỳ 2019 (kỳ 1 tháng 8/2019 đạt 4.246 xe). Với thực trạng trên, Bộ Công Thương lý giải, hạn chế của ngành sản xuất ôtô nội địa là Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ. Với các sản phẩm đã được nội địa hóa thì mang hàm lượng công nghệ thấp, chủ yếu là: Săm, lốp, ghế ngồi, gương, khung vỏ, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…

Cần chính sách ổn định, thống nhất

Theo các chuyên gia kinh tế, để công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển, cơ quan chức năng cần tập trung hoàn thiện các chính sách thuế nội địa, giúp DN trong nước tăng khả năng cạnh tranh với xe NK. Ngoài ra, cần cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thúc đẩy DN mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô…

“Đã đầu tư rất lớn vào sản xuất ôtô, chúng tôi rất mong chờ chính sách đột phá từ cơ quan chức năng cùng những hỗ trợ kịp thời cho DN. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu” – đại diện một công ty sản xuất, lắp ráp ôtô bày tỏ quan điểm. Do vậy, đề xuất của Bộ Công Thương theo hướng giảm thuế với động cơ, hộp số về 0% đến 2025 là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các DN ôtô lắp ráp trong nước. Đồng thời, thúc đẩy các nhà đầu tư sản xuất linh kiện và các sản phẩm cơ khí phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ôtô tăng quy mô, kết nối với các DN sản xuất, lắp ráp trong nước, tạo ra chuỗi giá trị liên kết trong ngành, nâng cao sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp – khẳng định, trong vòng 3-5 năm tới, với trình độ kỹ thuật hiện tại cũng như dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, sẽ rất khó có DN đầu tư dây chuyền sản xuất động cơ và hộp số để phục vụ lắp ráp ở Việt Nam.

“Để mỗi ngành công nghiệp phát triển, vấn đề sống còn là phải có thị trường, cả trong và ngoài nước. Nhưng điều quan trọng nhất là các chính sách phải ổn định, thống nhất trên quan điểm ủng hộ phát triển ngành. Cần tránh việc chính sách thường xuyên biến động khiến các DN không mạnh dạn đầu tư dài hạn. Do đó, nếu nhà nước có các chính sách hợp lý, ngành công nghiệp ôtô có thể tận dụng lợi thế” – ông Trương Thanh Hoài kỳ vọng.

Nghị quyết số23/NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, công nghiệp ôtô là một trong những ngành ưu tiên phát triển, đồng thời định hướng thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp.

 

 

Lan Anh

Theo Báo CT

https://congthuong.vn/chinh-sach-phat-trien-cong-nghiep-oto-quan-trong-nhat-la-on-dinh-143344.html

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích