Chính sách nửa vời khiến việc hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp kém hiệu quả
Sáng 29/8, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%.
Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển khiêm tốn
TS. Vũ Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế trung ương đánh giá, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.
Sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.
TS. Vũ Mạnh Hùng
Ngoài ra, tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt, khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp. “Tổ chức thực hiện nửa vời nên việc hỗ trợ chưa hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn” ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp.
Theo bà Minh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém, thể hiện ở việc các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ không bền vững, chuỗi liên kết chưa chặt chẽ với các nhà phân phối bán lẻ lớn; chưa có tổ chức, cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán.
Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng trong việc cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực nên các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn đang gặp phải điểm yếu liên quan đến chất lượng sản phẩm của mình.
Đặc biệt, doanh nghiệp nông nghiệp khó tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, để tổ chức sản xuất diễn ra phổ biến ở hầu hết địa phương.
Đề xuất chính sách
Trên cơ sở đã nêu, Viện trưởng CIEM kiến nghị nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng bằng cách rộng hạn mức vay và cắt giảm điều kiện và thủ tục vay cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn được tốt hơn. Tập trung cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp được nêu tại Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính. Theo đó, nghiên cứu cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống phân phối đủ năng lực kết nối các chuỗi giá trị, liên kết thị trường nông sản. Từng bước chủ động được thị trường xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam.
Còn ông Hùng đề xuất Nhà nước cần chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhưng chỉ can thiệp vừa đủ đối với hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp, cần có những cơ chế, chính sách mang tính thúc đẩy, khuyến khích hơn là can thiệp trực tiếp.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cần xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực này phải có sự phối hợp đồng bộ để bao quát hết đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và có chương trình đặc thù cho các ngành, lĩnh vực, chuỗi giá trị khác nhau.
Đối với doanh nghiệp nông nghiệp và các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp khác, cần phải thay đổi tư duy, trong nền kinh tế thị trường để có thể đáp ứng tốt yêu cầu thị trường thì cần phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng VSATTP, đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng và các nước nhập khẩu.
Phía doanh nghiệp cũng cần đổi mới chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ. Tập trung hỗ trợ các khâu chủ lực trong chuỗi giá trị nông nghiệp như: công nghệ chọn tạo giống; công nghệ bảo quản và chế biến nông sản bằng hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần và doanh nghiệp phải bỏ vốn một phần để nâng cao tính hiệu quả của vốn đầu tư.
Theo nguoiduatin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu