Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024
Ảnh minh họa. |
Nghị định 30/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 7/3/2024 quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2024. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài liên quan đến phương tiện cơ giới nước ngoài, do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch, cụ thể:
Tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phương tiện cơ giới nước ngoài, do người nước ngoài điều khiển vào tham gia giao thông tại Việt Nam với mục đích du lịch phải thực hiện quy định của Nghị định này và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều kiện chung đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài vào Việt Nam:
– Phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam;
– Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam của Bộ Công an cấp.
Quy định đối với người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam:
– Phải có phương tiện đi trước để hướng dẫn giao thông cho phương tiện cơ giới nước ngoài trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam. Phương tiện hướng dẫn giao thông là xe ô tô (nếu khách du lịch điều khiển xe ô tô) hoặc xe mô tô (nếu khách du lịch điều khiển xe mô tô) do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó.
– Chỉ được tham gia giao thông trên các tuyến đường trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định tại văn bản chấp thuận của Bộ Công an.
– Khi điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam.
Nghị định 26/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 1/3/2024 quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách Tư pháp sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 15/5/2024. Việc lấy ý kiến đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định.
Đối với thỏa thuận quốc tế: Khi thực hiện lấy ý kiến đối với thỏa thuận quốc tế theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 (trừ thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 20 và Điều 23 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020) mà thỏa thuận quốc tế có nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến pháp luật và cải cách tư pháp, cơ quan, tổ chức đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.
– Đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp:
+ Khi thực hiện lấy ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương thực hiện của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.
+ Khi thực hiện lấy ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản theo quy định của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, cơ quan chủ quản đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.
– Đối với hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp: Khi thực hiện lấy ý kiến tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định của Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, cơ quan chủ trì thực hiện lấy ý kiến đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an (trường hợp có sự tham gia của báo cáo viên là người nước ngoài) để lấy ý kiến về các nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.
– Trường hợp thỏa thuận quốc tế, chương trình, dự án, phi dự án, hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp có nội dung liên quan tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc có hoạt động thực hiện ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các khu vực trọng điểm khác về quốc phòng, ngoài việc lấy ý kiến các cơ quan theo quy định, cơ quan, tổ chức thực hiện lấy ý kiến có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Quốc phòng về các nội dung theo quy định.
Nghị định 35/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 2/4/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” gồm 5 chương 18 điều sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 25/5/2024. Trong đó nêu rõ việc Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt… Nghị định quy định tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo ưu tú dành cho đối tượng áp dụng là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục bao gồm:
+ Nhà giáo và cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục (gọi chung là nuôi dạy), giảng dạy trong cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục;
+ Cán bộ quản lý làm nhiệm vụ quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục theo quy định của pháp luật (gọi chung là cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục);
+ Cán bộ nghiên cứu giáo dục làm nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp;
+ Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng;
+ Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu tại các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục.
Nghị định 36/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 4/4/2024 quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 20/5/2024. Nghị định gồm 5 chương và 19 điều trong đó quy định rõ việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật phải bảo đảm nguyên tắc: Tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình (tác phẩm, công trình) về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật.
Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Tiếp đến, Nghị định 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 6/3/2024, có hiệu lực từ 1/5/2024, quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà Nước. Tiêu chuẩn bao gồm yêu cầu về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn, năng lực và uy tín, sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm công tác. Nghị định áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, nhấn mạnh việc hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn nhất định đối với những người hiện đang giữ chức vụ nhưng chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định mới.
Ngày 15/3/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020. Nghị định này được kỳ vọng sẽ khắc phục tồn tại, hạn chế của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP mở ra định hướng quan trọng tăng cường hoạt động quản lý, thúc đẩy và phát huy vai trò của các CCN trong phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, gồm 7 chương và 38 Điều.
Tiếp theo, Nghị định 34/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 31/3/2024 quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, gồm 7 chương và 38 Điều.
Ngoài ra một số nghị định có hiệu lực trong tháng 5 như: Nghị định 37/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị đinh 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 19/5/2024; Nghị định 33/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 27/3/2024 quy định việc thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 19/5/2024; Nghị định 38/2024/NĐ-CP được ban hành ngày 5/4/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 20/5/2024.
Nguồn: Báo lao động thủ đô