Chính sách BHXH đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài: Giảm những băn khoăn cho người lao động
Người lao động còn nhiều băn khoăn
Góp ý vào Dự thảo Luật BHXH, đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Tại điểm e Khoản 1 Điều 31 Dự thảo Luật BHXH quy định: Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) là đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa) phát biểu tại nghị trường. |
Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 115) hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều bắt buộc phải đóng BHXH.
Tuy được đánh giá là một chính sách góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động, nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn lúng túng trong vai trò người thu BHXH hộ, còn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì chưa mặn mà tham gia BHXH bắt buộc.
Người lao động còn băn khoăn cho rằng, với mức thu nhập thấp như đi Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia… sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm thân thể… tại công ty, người lao động chỉ còn khoảng 2/3 thu nhập, chưa kể phải tiết kiệm tiền để trả nợ khoản chi phí đi ban đầu; rồi những lúc ốm đau, rủi ro phải bỏ số tiền lớn để trang trải tại nước sở tại. Nay ở nhà còn “gánh” thêm khoản BHXH bắt buộc nữa thì rất khó khăn cho người lao động.
Mặt khác, người lao động cũng lo rằng, nếu đóng BHXH ở Việt Nam, thì khi họ bị tai nạn, ốm đau ở nước ngoài, bảo hiểm ở Việt Nam có chi trả được hay không?
Doanh nghiệp kêu khó
Ngoài việc lao động xuất khẩu chưa mặn mà với chính sách BHXH, nhiều doanh nghiệp, công ty xuất khẩu lao động đều cho rằng, việc thu BHXH bắt buộc đối với lao động xuất khẩu là rất khó. Bởi, đa số người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là lao động tự do hoặc nghề nghiệp không ổn định nên không tham gia đóng BHXH.
Bên cạnh đó, ở một số quốc gia người lao động Việt Nam sang làm việc, như Malaysia thì họ không hưởng chế độ hưu hay chế độ tuất mà chỉ được hưởng chế độ ngắn hạn như tai nạn lao động và ốm đau, đặc biệt là còn không được hưởng chế độ thai sản, cho nên thường những người lao động Việt Nam khi gặp trường hợp thai sản là buộc phải về nước và như vậy sẽ không công bằng cho những đối tượng này.
“Tôi cho rằng chính sách này nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động. Tuy nhiên, việc thu BHXH đối với đối tượng này là rất khó. Bởi, người lao động đi làm việc ở nhiều nước nên thu nhập, quyền lợi, nghĩa vụ ở nước sở tại cũng khác nhau, dẫn đến điều kiện tham gia bảo hiểm cũng khác nhau. Chẳng hạn, lao động đi xuất khẩu ở các nước thuộc khu vực Trung Đông, hoặc Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc… đều được doanh nghiệp sử dụng lao động đóng bảo hiểm. Số tiền đóng doanh nghiệp và người lao động cùng chi trả. Còn ở một số nước như Nhật Bản, doanh nghiệp sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động nước ngoài. Từ sự khác biệt này dẫn đến nhu cầu, mong muốn, định hướng tương lai của người lao động cũng khác nhau”, đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu quan điểm.
Việc quy định người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH là chính sách ưu việt, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động và đúng với lộ trình mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa ngành BHXH và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động Việt Nam Tại Điều 39 Dự thảo Luật BHXH về Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc Tại Khoản 2 quy định: Người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 31 của Luật này (Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng – quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), mức đóng và phương thức đóng được quy định như sau: a) Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất; b) Người lao động đóng cho cơ quan BHXH theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước 1 lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước. |
Hồng Nhung
Nguồn: Báo lao động thủ đô