Chính phủ lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để ứng phó bão số 3

Phát biểu mở đầu phiên họp, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

 Đường đi của bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Trong sáng sớm nay 7/9, trước tình hình, diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã kiểm tra tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Cùng đi có đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Vào khoảng 7 giờ sáng nay, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Vân Đồn gió và mưa bắt đầu tăng cấp độ, cụ thể cấp 7-9 trên đất liền, tại các đảo là cấp 9-10.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện, đến thời điểm hiện tại, bão số 3 chưa gây nhiều thiệt hại; chỉ có một số cây xanh bị gãy đổ trên một số tuyến đường. Trên biển, một số lồng bè nuôi trồng thủy sản đang chịu những đợt gió giật mạnh và sóng to, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao..

Để chủ động ứng phó với “siêu bão Yagi” (bão số 3), chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở đất, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong các ngày 6 và 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện sở, ngành đã chia thành 4 đoàn công tác xuống tất cả các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão và mưa lũ. Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra một số khu vực có nguy cơ cao ngập úng, sạt lở, ngầm tràn, khu vực ven sông, suối, hồ, đập, công trình trọng điểm đang thi công…

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Đặc biệt, các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để ứng cứu kịp thời cho người dân trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt. Chính quyền các cấp nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chủ động ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Công an tỉnh tập trung cao độ, bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số, sẵn sàng lực lượng triển khai phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đảm bảo công cụ, phương tiện đặc chủng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có chỉ đạo.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn bảo đảm 100% quân số. Không giải quyết phép, tranh thủ trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền và hoàn lưu sau bão, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn. Kiểm tra, gia cố, chằng buộc hệ thống doanh trại, kho tàng, nhà xe, nhà xưởng.

Đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho bộ đội, vũ khí trang bị, phương tiện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra; bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.

Sáng 7/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết diễn biến mới nhất của bão số 3. Cụ thể, sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, tốc độ từ 15-20km/giờ.

Tại khu vực Đông Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội, sau khi gây gió mạnh cấp 6 cho khu vực tỉnh Quảng Ninh thì sáng và trưa 7/9, gió sẽ mạnh lên và mở rộng ra ở khu vực này. Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, sáng 7/9 mới là thời điểm mưa tại Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội, cao điểm là từ trưa đến tối 7/9. Với các tỉnh sâu trong đất liền, mưa sẽ diễn ra muộn hơn và thời gian mưa kéo dài hơn. Lượng mưa được dự báo tại khu vực Đông Bắc Bộ từ 100-350mm. Sáng đến trưa 7/9, một số nơi có lượng mưa từ 100-150mm.

Ngoài ra, từ ngày 7 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm, mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra giông, tố, lốc và gió giật mạnh.

Phương Nam

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích