Chính phủ Không đồng ý nhập khẩu 37 toa xe tự hành DMU đã có niên hạn sử dụng 40 năm

3526_photo1634658618405-1634658618562571417868
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Ngày 22/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 9358/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt.

Trước đó, từ tháng 10/2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có các văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng. Các toa xe này sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, loại tự hành diesel.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt quy định rõ: Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị: Không quá 40 năm. Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.

Theo các quy định trên, 37 toa xe này vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm.

Ngoài ra, đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì. Chưa nêu giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067 m, trong khi khổ đường sắt của Việt Nam là 1 m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến nếu làm hết khoảng 140 tỷ đồng. Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích