China Evergrande tìm cách trấn an các chủ nợ nước ngoài

China Evergrande – tập đoàn địa ốc nợ nhiều nhất thế giới – đang tìm cách xoa dịu các chủ nợ nước ngoài sau khi những trái chủ này đe dọa thực hiện các hành động pháp lý.

Theo CNN, nhiều chủ nợ đã đe dọa sẽ có những hành động pháp lý đối với kế hoạch tái cấu trúc của nhà phát triển địa ốc Trung Quốc. Công ty hiện yêu cầu các trái chủ quốc tế “cho thêm thời gian” để lên kế hoạch tái cơ cấu.

“Với quy mô của China Evergrande, số lượng bên liên quan và tình hình phức tạp, công ty cần thêm thời gian để xem xét và đánh giá mọi giải pháp có thể, trước khi tham gia đàm phán với các chủ nợ nước ngoài”, tập đoàn địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc nhấn mạnh trong một hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong.

Trong một tuyên bố khác hôm 24/1, China Evergrande yêu cầu các chủ nợ nước ngoài “kiên nhẫn”, “không thực hiện những hành động pháp lý quá khích”.

china evergrande tim cach tran an cac chu no nuoc ngoai
China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn đối mặt với “bom nợ” hơn 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

Xoa dịu các trái chủ nước ngoài

Trước đó, một nhóm chủ nợ – dẫn đầu là công ty luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis & Co – chỉ trích rằng những hành động của China Evergrande đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về việc được đối xử bình đẳng khi đầu tư vào những doanh nghiệp Trung Quốc.

Họ nhấn mạnh đã “chuẩn bị để thực hiện tất cả hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Vào thời điểm đó, China Evergrande tuyên bố sẽ thuê thêm cố vấn tài chính và pháp lý nhằm “theo dõi” các yêu cầu từ phía những chủ nợ.

China Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trong nhiều tháng qua. Tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới đối mặt với số tiền phải trả hơn 300 tỷ USD.

Công ty đang chịu sự giám sát trực tiếp của chính quyền tỉnh Quảng Đông. Một ủy ban quản lý rủi ro mới đã được ra đời, bao gồm những quan chức địa phương và giám đốc điều hành của các doanh nghiệp quốc doanh.

china evergrande tim cach tran an cac chu no nuoc ngoai
Các trái chủ nước ngoài, nhà thầu, nhà cung cấp, nhân viên và khách mua nhà đều lao đao vì khủng hoảng nợ của China Evergrande. Ảnh: Reuters.

Hồi đầu tháng 12/2021, Fitch hạ xếp hạng của China Evergrande xuống “vỡ nợ giới hạn” sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

Doanh số bất động sản năm 2021 của China Evergrande cũng chứng kiến lần đầu giảm mạnh trong vòng ít nhất 10 năm. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng thanh khoản và khách mua nhà mất niềm tin.

Theo tính toán của Bloomberg, doanh số bán nhà trong năm 2021 (tính theo hợp đồng) của China Evergrande đã giảm 39% so với năm trước đó xuống 443 tỷ NDT (tương đương 70 tỷ USD). Hồi đầu năm, tập đoàn đặt mục tiêu 750 tỷ NDT. Đáng nói, doanh số gần như đóng băng từ hồi tháng 10/2021.

Khó giải quyết

Tính đến ngày 30/6, China Evergrande có tới 778 dự án tại 233 thành phố trên khắp Trung Quốc. Một số dự án đã bị tạm dừng thi công vì tập đoàn không thể thanh toán cho nhà thầu, nhà cung cấp và nhân viên. Nhiều khách mua nhà của tập đoàn tập trung tại các trụ sở của China Evergrande để đòi lại tiền.

Các quan chức Bắc Kinh đã yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.

Theo truyền thông Hong Kong, ông Hứa đang dùng một biệt thự tại thành phố làm tài sản thế chấp cho khoản vay ở ngân hàng. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết China Evergrande đã có thêm 50 triệu USD tiền mặt sau khi bán 2 chuyên cơ.

Ông Hứa cũng bị buộc bán 277,8 triệu cổ phiếu tại China Evergrande để trả nợ trong khoảng thời gian ngày 6-9/12. Theo hồ sơ được gửi lên sàn chứng khoán Hong Kong, tỷ lệ nắm giữ của ông Hứa tại China Evergrande đã giảm từ 61,88% xuống còn 59,78%.

2.000 tỷ NDT (tương đương 314 tỷ USD) là một khoản nợ lớn và không dễ giải quyết, nhất là vào thời điểm chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đối với tình trạng đòn bẩy quá mức trong thị trường bất động sản

Nhà đầu tư bất động sản Yin Ran (có trụ sở ở Thượng Hải)

Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, tài sản của tỷ phú Hứa đã bay hơi 17,2 tỷ USD trong năm ngoái. Nhà sáng lập China Evergrande từng là tỷ phú giàu thứ hai châu Á với khối tài sản trị giá 42 tỷ USD. Nhưng giờ, ông chỉ còn nắm giữ khoảng 6,1 tỷ USD.

“2.000 tỷ NDT (tương đương 314 tỷ USD) là một khoản nợ lớn và không dễ giải quyết, nhất là vào thời điểm chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát đối với tình trạng đòn bẩy quá mức trong thị trường bất động sản”, nhà đầu tư bất động sản Yin Ran (có trụ sở ở Thượng Hải) bình luận.

Hồi đầu tháng, các trái chủ trong nước đã đồng ý cho hoãn thời hạn thanh toán của China Evergrande.

Giới quan sát cũng cảnh báo về việc cuộc khủng hoảng của China Evergrande sẽ lan sang lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế Trung Quốc. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng trong lĩnh vực bất động sản giảm 2,9% trong quý IV/2021, sau khi lao dốc 1,6% vào quý III. Kể từ năm 2008, ngành công nghiệp chưa từng chứng kiến hai quý sụt giảm liên tiếp.

Ngành xây dựng cũng chứng kiến sản lượng sụt giảm 2,1% cùng kỳ. Theo tính toán của Bloomberg, hai lĩnh vực này chiếm 13,8% GDP vào năm 2021, thấp hơn mức 14,5% của năm 2020.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích