Chiêu trò mạo danh tập đoàn bảo mật máy tính McAfee để chiếm đoạt thông tin cá nhân
Cụ thể, theo Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông các đối tượng gửi email với nội dung và giao diện gần giống với các email chính thống đến từ McAfee. Lợi dụng sự mất cảnh giác của nạn nhân, đánh vào tâm lý lo sợ việc bị mất tiền, dẫn dụ nạn nhân ngay lập tức phải liên hệ lại với các đối tượng để xác thực lại thông tin.
Nội dung email bao gồm lời cảm ơn đến từ đội ngũ chăm sóc khách hàng và mã số đơn hàng; hóa đơn thanh toán gói dịch vụ trị giá 700 USD tương ứng với 5 năm sử dụng dịch vụ; số điện thoại đề phòng trường hợp người dùng đổi ý và muốn hoàn lại tiền.
Khi liên hệ thông qua số điện thoại, người dùng sẽ được yêu cầu tải về ứng dụng thông qua email được cung cấp sau đó nhưng thực chất là ứng dụng có chứa mã độc, giúp cho các đối tượng chiếm quyền kiểm soát và thực hiện các thao tác trên thiết bị của người dùng. Khi đó, các đối tượng sẽ đánh cắp các dữ liệu và thông tin quan trọng của nạn nhân, thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.
Ảnh minh họa
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các hóa đơn thanh toán liên quan tới dịch vụ diệt virus thông qua email. Tuyệt đối không nhận hay gọi điện lại cho các số điện thoại lạ, không truy cập vào đường dẫn lạ hay tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Người dân chỉ nên tải về các ứng dụng điện thoại thông qua hệ thống cửa hàng chính thống trên cửa hàng Google Play Store (dành cho điện thoại Android) hoặc Apple Store (dành cho iPhone).
Khi nhận được các email giả mạo, người dân cần báo cáo lại ngay với đội ngũ nhân viên thuộc các công ty sở hữu phần mềm và dịch vụ mà mình đang sử dụng để kịp thời xử lý và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Khánh Mai (t/h)