Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia: Hướng đến mục tiêu tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn đạt 75% vào năm 2030

Nhiều rào cản về tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng xuất khẩu

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới (từ khi trở thành thành viên của WTO, ASEAN, APEC), nhất là khi nước ta đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, RCEP) dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều lần hàng hoá của Việt Nam bị cảnh báo tại nước ngoài do không đáp ứng đủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại của nước sở tại. Điển hình như vụ việc Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam vì chứa chất Ethylene Oxide (EO) có khả năng gây ung thư. Tương tự, Liên minh Châu Âu (EU) cũng ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương vì chứa chất cấm này.

Việc xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn. Ảnh minh họa.

Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hạn chế các vụ việc hàng hoá Việt Nam bị cảnh báo vi phạm tiêu chuẩn? Giải pháp nào mang tính dài hạn để Việt Nam ứng phó với các hàng rào kỹ thuật thương mại mà các quốc gia cùng tham gia hiệp định thương mại tự do đặt ra? Làm sao để nâng cao mức độ hài hoà hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế?

Một số chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hài hoà với thông lệ quốc tế; cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá quốc tế thành cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu, ứng dụng sẽ là những hướng đi, giải pháp hữu ích nhằm giúp hàng hoá Việt Nam dễ dàng vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại khi sang thị trường thế giới. Tuy nhiên, vấn đề cần lưu tâm là làm sao để các tiêu chuẩn, quy chuẩn này trở thành hệ thống hoàn thiện, xuyên suốt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này chắc chắn đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược mang tính dài hạn về xây dựng tiêu chuẩn.

Hướng đến những mục tiêu cụ thể

Theo TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng để phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia làm nền tảng cho sản xuất, kinh doanh thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tồn tại cũng như giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh trên trường quốc tế. Để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa.

Bà Phạm Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Phân tích cụ thể, bà Phạm Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL cho biết, quan điểm chỉ đạo trong xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa đó là: Phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa toàn diện, đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, huy động sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn hóa đối với từng lĩnh vực cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.

Bên cạnh đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội; Tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Ban hành Danh mục TCVN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống TCVN cho 50% số lượng sản phẩm trong Danh mục tiêu chuẩn nêu trên;

Đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 – 5 Bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này; Đến năm 2030 có 100% các Bộ ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch; Tỷ lệ hài hoà hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và đạt 70 ÷ 75% vào năm 2030;

Tối thiểu 5% TCVN mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 10%; Số lượng TCVN mới được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố được phổ biến áp dụng đạt tối thiểu 70% vào năm 2025 và đến năm 2030 tỷ lệ này là 80%;

Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá cho tối thiểu 60% thành viên Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN vào năm 2025 và đến năm 2030 là 100%. Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên gia làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp; Hoàn thiện các giáo trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về tiêu chuẩn hoá cho tối thiểu 20 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề vào năm 2025 và đến năm 2030 là 35 trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề;

Chủ trì và đồng chủ trì 1-2 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 1-2 cán bộ, chuyên gia tham gia các Ban Kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn hoặc ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác của ISO, đến năm 2030 sẽ chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và cử 4 – 6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của ISO;

Phấn đấu tham gia thành viên của Hội đồng ISO, trở thành thành viên đầy đủ của Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 2025 và đến năm 2030, phấn đấu tham gia thành viên Ban Quản lý kỹ thuật TMB của ISO, tham gia từ 5-7 Ban Kỹ thuật IEC; Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hệ thống TCVN, chuyên gia Ban Kỹ thuật TCVN và Ban kỹ thuật TCQT vào năm 2025, đến năm 2030 hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu về TCVN và Ban Kỹ thuật TCVN được kết nối với bộ, ngành và địa phương. 

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích