Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ

 Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ

Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Phú Thọ đạt 6,67%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước (5,95%/năm). Đến năm 2020, quy mô GRDP của tỉnh đạt 75,3 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), gấp 3,4 lần năm 2010.

tm-img-alt
Thành phố Việt Trì được xác định là hạt nhân, đầu tàu trong tiểu vùng Tây Bắc. Ảnh: Báo Phú Thọ

I. Khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 – 2020

1. Đặc điểm tình hình

Phú Thọ là vùng đất Tổ, cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam; tổng diện tích tự nhiên 3.534,6 km2, 13 huyện, thành, thị và 255 xã, phường, thị trấn; tỉnh Phú Thọ tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Yên Bái (phía Bắc), tỉnh Hòa Bình (phía Nam), tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội (phía Đông) và giáp tỉnh Sơn La (phía Tây).

Phú Thọ có những lợi thế khẳng định vị thế, vai trò của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giao thông, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa khu vực, trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiểu vùng Tây – Đông – Bắc.  Tỉnh nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường sông[1] và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, có nhiều các di sản văn hóa truyền thống gắn liền với suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có thể khai thác các lợi thế về giao thông, về đầu tư để tham gia vào từng khâu của quá trình lưu thông hàng hóa, gắn hợp tác phát triển thương mại với Trung Quốc, ASEAN và phát triển thành phố lễ hội, du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, đặc biệt là du lịch về cội nguồn.

2. Khái quát tình hình phát triển KT-XH tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020

a) Kinh tế

Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Phú Thọ đạt 6,67%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước (5,95%/năm). Đến năm 2020, quy mô GRDP của tỉnh đạt 75,3 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), gấp 3,4 lần năm 2010. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, đạt mức bình quân giai đoạn 2011-2020 là 4,83%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng trưởng chung của cả nước (2,83%/năm). Khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao (8,99%/năm), chủ yếu từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Khu vực dịch vụ tốc độ tăng trưởng chậm hơn mức tăng bình quân chung kinh tế của tỉnh (5,88%/năm).

tm-img-alt
Mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh Phú Thọ là phát triển các KCN, CCN với quy mô phù hợp

Thu nhập bình quân của tỉnh có cải thiện nhưng còn chậm và thấp. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 2.184 USD/người (tương đương 50,8 triệu đồng/người), tăng gấp 2,9 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân đạt 5,3%. Năng suất lao động có cải thiện đáng kể (88 triệu đồng/lao động, năm 2020) nhưng còn thấp, bằng 2/3 năng suất lao động trung bình của cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm tỷ trọng (từ 23,4% xuống 19,6%) mặc dù quy mô kinh tế của khu vực này tiếp tục mở rộng. Tỷ trọng của khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 29,1% năm 2011 lên 36,0% năm 2020; Tỷ trọng của khu vực dịch vụ giảm từ 40,7% xuống 37,8%.

Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt trên 128,6 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,5%/năm và tăng 1,92 lần so giai đoạn 2011- 2015, bình quân 5 năm chiếm 41,9% GRDP. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, vốn đầu tư nhà nước giảm từ 32% năm 2015 xuống còn 20% năm 2020; vốn đầu tư ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn và xu hướng ổn định trong 5 năm (chiếm 60%); vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện, tăng nhanh từ 13% năm 2015 lên 19% năm 2020.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 8.760 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 66,4 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp thực tế đăng ký hoạt động 6.468 doanh nghiệp, tăng 69,8% so năm 2016, bằng 73,8% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (cao hơn so bình quân toàn quốc 62,4%; chiếm 24,4% số lượng doanh nghiệp của vùng Trung du miền núi phía Bắc). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá, bình quân 8,17%/năm (tương đương 726 doanh nghiệp/năm); Số lượng doanh nghiệp FDI còn ít, quy mô nhỏ.

b) Văn hóa, xã hội

Giai đoạn 2011-2020, quy mô dân số Phú Thọ tăng liên tục từ 1.329.380 người năm 2011 lên 1.481.884 người năm 2020, đứng thứ 20/ 63 tỉnh, thành cả nước, đang trong thời kỳ dân số vàng. Tốc độ tăng dân số trung bình đạt 1,14%/năm, bằng với mức trung bình của cả nước. Tỉ lệ dân thành thị năm 2020 chiếm 19,0% thấp hơn trung bình vùng Trung du và miền núi phía Bắc (20,4%) và thấp hơn nhiều mức trung bình của cả nước (36,8%). 

Giai đoạn 2011-2020, lực lượng lao động tương đối dồi dào chiếm trung bình khoảng 60% số dân của tỉnh, bình quân mỗi năm tăng thêm 13,1 nghìn người bước vào tuổi lao động. Cơ cấu lao động theo ngành có sự chuyển dịch phù hợp với định hướng chuyển dịch kinh tế của tỉnh: Tỷ trọng lao động các ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 19,7%% lên 30,7%;  Dịch vụ tăng từ 18,5% lên 27,3%; tỷ lệ lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 61,8% xuống 42%.

Về mức sống dân cư, thu nhập bình quân của người dân tăng hơn 3 lần từ 18,1 triệu đồng năm 2010 lên 50,8 triệu đồng năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,55 % năm 2011 xuống còn 4,4% năm 2020.

tm-img-alt
Phú Thọ là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”

Phú Thọ hiện có 967 di tích, trong đó có 323 di tích lịch sử – văn hóa được nhà nước xếp hạng (01 Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích quốc gia, 249 di tích cấp tỉnh). Ngoài ra, tỉnh còn 650 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện và phân loại. Đặc biệt, Phú Thọ là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Đồng thời, Phú Thọ là một trong các tỉnh, thành vùng lan tỏa Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Ca trù và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hoạt động thể dục thể thao của tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển cả về thể thao phong trào và thể thao thành tích cao.

Giáo dục- đào tạo của tỉnh có sự phát triển vững chắc trên cả 03 mặt: quy mô, chất lượng và hiệu quả. Chất lượng giáo dục xếp trong tốp 15 tỉnh/thành phố có chất lượng tốt nhất cả nước. Phú Thọ là tỉnh thứ 03 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo các cấp độ.

II. Quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045

1. Quan điểm phát triển

– Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Tổ theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị; đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện mọi mặt của đời sống nhân dân.

– Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; biến thách thức thành cơ hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đô thị, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số.

– Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển hài hòa giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn.

– Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng, cấp nước sạch, thủy lợi, hạ tầng xã hội và các hạ tầng du lịch.

– Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng. Hình thành trung tâm phát triển về du lịch; giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh của tiểu vùng Tây Bắc và trung tâm thương mại, logistics, công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ với 02 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

b) Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

– Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10-11%/năm.

+ GRDP bình quân theo đầu người năm 2030 đạt 6.000- 6.200 USD.

+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Công nghiệp – xây dựng, chiếm 48- 50%; dịch vụ chiếm 33- 35%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, chiếm 12- 14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5- 6%.

+ Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 – 2030 đạt từ 800 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó: tỷ trọng vốn FDI chiếm 19- 20%.

+ Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 8%.

+ Khách du lịch năm 2030 đạt trên 12 triệu lượt khách, đóng góp từ 2- 3% vào GRDP của tỉnh.

+ Kinh tế số chiếm khoảng 15% GRDP vào năm 2025 và đạt hoặc vượt mức trung bình của cả nước từ năm 2030 trở đi.

– Về văn hóa – xã hội:

+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,08%/năm.

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt 32- 35%.

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt đạt 100% đến năm 2030.

+ Số giường bệnh/vạn dân (không bao gồm giường bệnh trạm y tế) đạt khoảng 52 giường bệnh/vạn dân năm 2030.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đến năm 2030 đạt 65- 70% tổng số lao động toàn tỉnh.

– Về môi trường:

+ Tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý khu vực đô thị năm 2030 đạt khoảng 90%- 100%, khu vực nông thôn khoảng 80% – 95%. 100% huyện, thị xã thực hiện quy trình thu gom chất thải nguy hại và vận chuyển riêng biệt tới nơi tiếp nhận và xử lý chất thải nguy hại tập trung.

+ 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.

+ Duy trì ổn định diện tích rừng và cơ cấu 03 loại rừng với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt khoảng 38- 39%.

– Về quốc phòng, an ninh: Tăng cường quản lý về quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Các đột phá chiến lược của tỉnh Phú Thọ

(1) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương

Tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển hài hòa các thành phần kinh tế. Nâng hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX SIPAS, PAPI vào vị trí nhóm đầu của Việt Nam. Từ đó huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là các lĩnh vực kết cấu hạ tầng then chốt, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, du lịch, công trình quan trọng có tính chất kết nối liên kết vùng. Thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch.

(2) Phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, với ứng dụng của tiến bộ khoa học công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn- kỹ thuật phục vụ quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Phát triển hệ thống đào tạo theo hướng chuyên sâu, gắn với sử dụng và nhu cầu của thị trường.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành ưu tiên trọng tâm. Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các sở ban ngành của tỉnh, huyện và xã phường, cán bộ quản lý điều hành các doanh nghiệp của tỉnh.

(3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng với trọng tâm là các lĩnh vực kết cấu hạ tầng then chốt (giao thông, năng lượng, thông tin,…), hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, công trình quan trọng có tính chất liên kết vùng. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, đồng bộ hạ tầng thông tin của tỉnh với Quốc gia, Vùng  để tạo nền tảng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo phương châm chính quyền địa phương là người đi đầu dẫn dắt, kiến tạo chuyển đổi số tại địa phương.

4. Một số nhiệm vụ trọng tâm

(1) Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở 4 lĩnh vực (theo thứ tự ưu tiên) về du lịch, Khám chữa bệnh, Trung tâm giáo dục và đào tạo và Trung tâm thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản.

 (2) Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “hát Xoan Phú Thọ”; đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.  

(3) Làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại. Trong ngành công nghiệp: ưu tiên thu hút phát triển các ngành tăng trưởng nhanh, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao như công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí lắp ráp.  Trong ngành dịch vụ: Phát triển các ngành dịch vụ với trọng tâm là hình thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc về các lĩnh vực du lịch, khám chữa bệnh, đào tạo, thương mại và logistics. Đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp: Tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng sản xuất hàng hóa chất lượng cao đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực (gồm cây chè, cây bưởi, cây lúa, cây chuối và chăn nuôi lợn, gia cầm, rừng gỗ lớn) gắn với phát triển công nghiệp chế biến sâu, liên kết với các địa phương còn lại trong tiểu vùng Tây Bắc để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, chế biến.

(4) Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý dự án đầu tư từ ngoài tỉnh, đặc biệt là vốn FDI và các tập đoàn trong nước, đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó tập trung vào một số nhóm các nhiệm vụ bổ trợ: Phát triển vùng khó khăn, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn; Đổi mới phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng nâng cao hiệu quả trên mỗi ha rừng; Phát triển kinh tế số, xã hội số; Bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững và xây dựng môi trường sống tốt cho người dân; Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

5. Giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Phú Thọ

a) Giải pháp về huy động vốn đầu tư

– Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước(đầu tư công): Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn hỗ trợ ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành ngay từ khâu xây dựng quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch đầu tư của Bộ ngành, nhằm đảo bảo vốn cho đầu tư phát triển. Ưu tiên vốn cho các dự án đầu tư liên kết vùng được xác định trong quy hoạch tỉnh (được phê duyệt). Thu hút vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc đầu tư vốn cổ phần từ các nhà đầu tư tư nhân thông qua các hình thức PPP.

– Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài; xây dựng chiến lược xúc tiến toàn diện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương. Đẩy mạnh phát triển những yếu tố thúc đẩy thu hút vốn FDI (chủ yếu để phát triển công nghiệp) và thu hút các Tập đoàn kinh tế trong nước (chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch; đô thị; dịch vụ thương mại; nông nghiệp công nghệ cao). Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp (y tế, giáo dục, văn hóa thể thao khoa học công nghệ).

b) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng về quy mô và chất lượng nhân lực; trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Tăng cường thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh với các trường đại học, cao đẳng trọng điểm ở trong và ngoài nước; khuyến khích chủ động hợp tác để cải thiện chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu bằng cách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các nhân tố tiềm năng trong và ngoài vùng.  Tăng cường đầu tư vào giáo dục tiểu học, trung học ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua thiết lập các mối liên kết và hợp tác với các đơn vị quản lý khu công nghiệp và người sử dụng lao động.

c) Giải pháp về bảo vệ môi trường

Tập trung phát triển công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từng bước loại bỏ, thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Chủ động tăng cường hợp tác với tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình và một số tỉnh lân cận sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Xem xét việc quản lý tập trung (cấp vùng) đối với chất thải y tế và chất thải nguy hại với công nghệ xử lý tốt nhất phù hợp (BAT), khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng và xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn với quy mô nhỏ ở những khu vực nông thôn chưa có hệ thống quản lý chất thải tập trung. Nâng cao năng lực công nghệ trong dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, bão lũ.

d) Giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp hệ thống giống chất lượng cao, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng; chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và cải tiến kỹ thuật canh tác hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với lũ cực đoan. Tập trung đầu tư phát triển các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế của tỉnh trọng tâm là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử, y sinh. Triển khai mạnh cơ chế, chính sách, chế độ khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ (nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, marketing sản phẩm mới).

e) Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

Đảm bảo các điều kiện để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng liên kết vùng, trong đó chú trọng thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù của tỉnh đối với các lĩnh vực khuyến khích phát triển như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng gỗ lớn, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế số; chính sách tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh và hiệu quả cao.

Chỉ đạo thực hiện tốt mô hình “một cửa liên thông” tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Rà soát, đánh giá các chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index gắn với rà soát cơ chế, thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, hiệu quả; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo đột phá về xếp loại chỉ số 5 năm giai đoạn 2021- 2030 và định hướng đến năm 2050.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh đến bạn bè quốc tế; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

f) Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

Phát triển đô thị thông minh; Kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch; phát triển và phân bố hợp lý trên địa bàn, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng. Coi trọng mối liên kết đô thị – nông thôn, nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Xây dựng lộ trình thích hợp để mở rộng ranh giới các đô thị, nâng hạng đô thị, sau khi đã tiến hành xây dựng, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị tại các khu ở nông thôn ven đô. Tập trung tiếp tục thực hiện ba khâu đột phá: đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt; xây dựng đô thị văn minh văn hóa phát huy các thế mạnh của Việt Trì là thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là trung tâm đô thị động lực của tỉnh và vùng.

Phát triển nông thôn trên cơ sở bảo toàn các khu vực nông nghiệp và lâm nghiệp, các vùng cảnh quan có giá trị; Phát triển theo mô hình nông thôn mới gắn với các đặc thù của từng khu vực, duy trì các đặc tính phân bố vốn có của các khu dân cư truyền thống của đồng bào dân tộc trên cơ sở bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở sản xuất theo mô hình nông thôn mới theo các tiêu chí riêng của tỉnh.

g) Giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước

Đẩy mạnh cải cách, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau. Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng số đảm bảo tốt cho hoạt động của chính quyền số của tỉnh, đồng thời hỗ trợ phát triển và khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh về kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai,…

Cải cách thể chế; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức ở các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức./.

[1] Có 03 sông: sông Hồng, sông Đà và sông Lô; Đường bộ có Quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ rồi mới tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác.

Phạm Thái Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư

– Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích