Chiến lược đầu tư tuần mới: Hồi là bán?
Hiện các tín hiệu tạo đáy ngắn được cho là chưa đủ tin cậy, các nhịp hồi phục nếu có cũng sẽ kết thúc rất nhanh. Nhịp hồi phục kỹ thuật là để hạ tỷ trọng cổ phiếu.
Các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn chưa đủ tin cậy
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần qua đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đầu tư nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp.
Ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22.
Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp hồi kỹ thuật của thị trường để hạ tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro, ngoài ra, theo VCBS, hiện các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn cũng chưa đủ tin cậy nên nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát thêm diễn biến giao dịch trong những phiên tới và hạn chế việc bắt đáy.
Duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại
Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
Thị trường tiếp tục trải qua tuần giao dịch giảm điểm tiêu cực đối với nhà đầu tư. Rất nhiều mã, nhóm mã luân phiên chịu áp lực bán tháo mạnh trong tuần qua.
Kết thúc tuần VN-Index giảm 4,27% về mức 954,53 điểm, dưới vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.000 điểm và vùng giá thấp nhất năm 2021. Áp lực bán tháo, giải chấp vẫn gia tăng trong quá trình thị trường giảm điểm.
Đồ thị kỹ thuật VN-Index (Ảnh chụp màn hình). |
Tâm lý nhà đầu tư vẫn tiêu cực, tê liệt với tình trạng bán tháo xảy ra trong 6 tuần liên tiếp. Mặc dù tính từ đỉnh giá cao nhất năm 2022, VN-Index đã giảm rất mạnh từ vùng 1.530-1.536 điểm, nhưng VN-Index vẫn trong tình trạng tê liệt với chỉ số RSI tuần dưới vùng 30 trong 6 tuần liên tiếp (ở thời điểm giảm mạnh do đại dịch Covid tháng 3/2020, chỉ số RSI nằm dưới vùng 30 trong 7 tuần liên tiếp mới hồi phục).
Thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch Covid tháng 3/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu… dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa.
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng thấp, chờ thị trường chung ổn định trở lại. Nhà đầu tư có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư, ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỉ trọng tiền mặt cao, các mã ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tình hình trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin
Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Dù thị trường tăng điểm phiên cuối tuần nhưng vẫn không như kỳ vọng của nhà đầu tư, ngoài mức tăng rất hạn chế nếu không nói là mức đóng cửa cũng gần mức thấp nhất trong phiên thì độ rộng thị trường cũng ghi nhận đây chỉ là một phiên “xanh vỏ đỏ lòng”.
Nhóm cổ phiếu bluechips đóng vai trò là lực kéo của thị trường dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khối ngoại. Khối ngoại giải ngân trọn tuần vừa qua là tín hiệu tích cực nhất lúc này, trái ngược với tâm lý thận trọng và giảm giao dịch từ nhà đầu tư trong nước.
Thị trường trong nước đang cho thấy vấn đề nội tại lấn át tác động từ bên ngoài, nhóm tín hiệu bất động sản vẫn chưa có tín hiệu tích cực, thị trường thế giới tăng “tưng bừng” nhưng chốt phiên thị trường trong nước vẫn có gần 140 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn là điều đáng suy nghĩ. Nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, chưa vội bắt đáy, không dùng margin, có thể đứng ngoài thị trường quan sát.
Các nhịp hồi phục kỹ thuật nếu có cũng nhanh chóng kết thúc
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
YSVN cho rằng thị trường có thể tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục này có thể sẽ nhanh chóng kết thúc do rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu.
Điều kiện cần để rủi ro ngắn hạn giảm là chỉ số VN-Index cần vượt lên trên mức 1.000 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với xu hướng hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng.
Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng. Đồng thời, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức giảm. Các nhà đầu tư trung hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế mua mới giai đoạn này hoặc chưa nên tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Kiểm tra tín hiệu hỗ trợ quanh 950 điểm của VN-Index
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch, tuy nhiên đã thất bại trong việc nới rộng đà tăng. Thị trường phân hóa mạnh và lực cung vẫn chưa có dấu hiện cải thiện ở những nhóm yếu. Như vậy, động thái hỗ trợ trong ngày thứ 5 chưa được xác nhận và rủi ro xuyên qua biên dưới của kênh xu hướng đang hiện hữu.
Dự kiến, thị trường vẫn sẽ có thiên hướng giảm điểm trong phiên đầu tuần để kiểm tra tín hiệu hỗ trợ quanh 950 điểm của VN-Index và 930 điểm của VN30-Index. Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế mở mua, tiếp tục quan sát kỹ động thái hỗ trợ để đánh giá trạng thái của thị trường và cân nhắc hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu có dấu hiệu phá vỡ hỗ trợ.
Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.
Nguồn: Báo xây dựng