Chiến dịch thế giới sạch hơn: Hành động vì môi trường trong lành
Chiến dịch thế giới sạch hơn: Hành động vì môi trường trong lành
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hằng năm.
Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới,” từ ngày 19-25/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động nhiều hoạt động tới các đơn vị, địa phương trên cả nước nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng cùng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Nhiều thành tựu về môi trường
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hằng năm.
Kể từ lần đầu tiên được khởi xướng năm 1993 đến nay, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, trở thành phong trào rộng khắp nhằm tăng cường nhận thức và hành động của toàn nhân loại đối với các vấn đề môi trường. Việt Nam đã tích cực tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994.
Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ 21.
Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, khối lượng chất thải rắn toàn cầu đang gia tăng nhanh, từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, dự báo lên tới hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025 (tăng 70% trong giai đoạn này).
Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra nhận định nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương sẽ bị ô nhiễm rất nặng nề.
Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường tại Việt Nam đã được tiến hành đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra, kiểm tra tại 2.364 cơ sở và khu công nghiệp, xử phạt 878 cơ sở.
Kết quả cho thấy tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng ngày càng giảm.
Từ năm 2017-2021, lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường đã kiểm tra, phát hiện 121.654 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; khởi tố 1.540 vụ/2.108 đối tượng; xử phạt hành chính 81.439 vụ.
Giai đoạn 2019-2021, các địa phương đã kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 13.144 cơ sở.
Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường đã góp phần phòng ngừa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân, đồng thời buộc các doanh nghiệp phải quan tâm, đầu tư cho môi trường, bước đầu đã tạo được dư luận tốt trong cộng đồng.
Sự tham gia, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã góp phần tạo nên những chuyển biến, kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Điều này được thể hiện thông qua những con số nổi bật như: tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 91%, tăng 30% so với năm 2010.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 96%, tăng 14% so với năm 2010. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 15%, tăng 8% so với năm 2010.
71 nhà máy/trạm xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.383.000 m3/ngày đêm (tăng 41 nhà máy và khoảng 543.000 m3/ngày đêm so với năm 2015).
Để thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát các nguồn thải từ xa đã được đẩy mạnh và triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Hiện nay, cả nước đã xây dựng và vận hành 1.298 trạm quan trắc (gồm 280 trạm quan trắc môi trường xung quanh và 1.018 trạm quan trắc phát thải tự động, liên tục); đã tổ chức thực hiện truyền số liệu từ doanh nghiệp về các sở tài nguyên và môi trường tại các địa phương và từ các sở này về Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua phần mềm Quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục (EnviSoft). Đây là phần mềm do Tổng cục Môi trường xây dựng, phát triển và đã chuyển giao cho 63 địa phương trên toàn quốc.
Đặc biệt, theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam thông qua chỉ số PAPI hàng năm (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam) cho thấy, tỷ lệ người dân quan ngại về ô nhiễm môi trường ngày càng giảm trong giai đoạn 2016-2021: từ chiếm 12,53% trong số các vấn đề quan ngại nhất năm 2016, xuống còn 1,55% năm 2021; qua đó, góp phần quan trọng vào sự cải thiện Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021: xếp thứ vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 37 bậc so với năm 2016.
Lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường
Tại Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra là rất lớn, trung bình có hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày.
Nguồn thải lớn nhưng khoảng hơn 70% lượng rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nếu không kiểm soát tốt có nguy cơ gây ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí.
Phần lớn hiện nay, rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, khối lượng rác thải gia tăng trung bình từ 10-16%/năm, gây áp lực lớn cho việc xử lý rác thải.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, thúc đẩy triển khai thực hiện các giải pháp triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững, cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được dựa trên khối lượng chất thải được phân loại. Do đó, càng xả nhiều rác, người dân sẽ càng phải đóng nhiều tiền hơn, theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền.”
Chính sách này sẽ góp phần tác động trực tiếp đến hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt, cũng như giúp người dân chủ động nâng cao ý thức ngay từ khâu phân loại rác tại nguồn. Từ đó thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng và hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức thường niên tại Việt Nam, đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực như: thực hiện đồng loạt các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các địa bàn dân cư; giải quyết được triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; kiểm soát chặt chẽ các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Đây cũng là dịp triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn là dịp lan tỏa cộng đồng các hoạt động vì môi trường. Theo đó, công tác phối hợp, tổ chức triển khai các nội dung, chiến dịch, hưởng ứng, các phong trào từ các tổ chức từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia đông đảo của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Điển hình như trồng cây hướng tới mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; phong trào Chống rác thải nhựa; phong trào Ngày Chủ nhật xanh đồng loạt toàn quốc…
Hưởng ứng Chiến dịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng gồm: triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn để đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, trong đó tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững…
Các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm soát và giám sát nguồn thải từ các khu vực có phát sinh nhiều chất thải hoặc các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông…; tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tạo cảnh quan tại nơi sinh sống, cơ quan, trường học…; khởi công và bàn giao các công trình, dự án về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công trình, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế chất thải…
Bộ đề nghị các địa phương, đơn vị tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường và giảm tối đa việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, giảm thiểu chất thải tại các siêu thị, chuỗi cung ứng hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ và các nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm xử lý, tái chế.
Các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và các địa phương tăng thời lượng tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phổ biến các mô hình tốt, cách làm hay có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường… trong đó cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp trên nền tảng công nghệ, phù hợp các nhóm đối tượng.
Từ đó, các hoạt động nổi bật, các sáng kiến và giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả sẽ được giới thiệu đến người dân và được các cấp có thẩm quyền khen thưởng, tôn vinh kịp thời.
Mỗi một hành động dù nhỏ nhưng có ý nghĩa sẽ mang lại đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai của “Ngôi nhà chung – Trái Đất,” tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của nhân loại./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị