Chìa khóa để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường tỷ dân
Nhiều năm qua, thị trường Trung Quốc là nơi mà các doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ mở rộng mạng lưới phân phối và mang thương hiệu thực phẩm Việt đến với người tiêu dùng nơi đây. Đến nay, có không ít doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những thành công nhất định tại thị trường tỷ dân này.
Theo Co-founder FoodMap Mai Thanh Thái, có những tín hiệu tích cực đối với ngành thực phẩm của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, khi người tiêu dùng nơi đây đang ngày càng tin dùng các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam hơn.
Những sản phẩm từ thiên nhiên của Việt Nam đang được người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm. |
Theo anh Thái, sau thời gian làm việc với thị trường Trung Quốc, anh đã rút tỉa được 3 kinh nghiệm khi kinh doanh tại thị trường này: Thứ nhất là cần tìm hiểu chân dung khách hàng của Trung Quốc; Thứ hai là cách chọn lọc đối tác để doanh nghiệp triển khai kinh doanh tại Trung Quốc; Thứ 3 là doanh nghiệp cần phải liên tục đổi mới sáng tạo để kịp thời bắt nhịp được sự thay đổi của thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, ông Phạm Thành Danh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Datafa cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp ông đã xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc hơn 10 đơn hàng với các sản phẩm chủ lực là nước dừa và yến.
“Chúng tôi xuất đi theo hai hình thức, một là xuất bằng chính thương hiệu Datafa, hai là gia công theo thương hiệu của khách hàng yêu cầu. Khách hàng của chúng tôi tại Trung Quốc quan tâm đến hai yếu tố là chất lượng và giá cả”, ông Danh nói.
Trong khi đó, dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm, CEO Công ty TNHH một thành viên Hygie & Panancee cho biết, qua quá trình tiếp xúc với khách hàng, bà nhận thấy người dân Trung Quốc họ rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe sau đại dịch Covid-19, nhất là những sản phẩm là thực phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe.
Theo bà Thắm, các doanh nghiệp Việt Nam có những doanh nghiệp có lợi thế về các sản phẩm nông sản, dược liệu… đó là cơ hội để tiếp cận được khách hàng tại đây.
“Khi gặp các khách hàng Trung Quốc, họ hỏi nhiều câu như sản phẩm này khi uống mang lại giá trị gì về sức khỏe, và họ cũng quan tâm những nguyên liệu làm ra sản phẩm đó được lấy từ đâu. Thậm chí nhiều khách hàng còn hỏi sản phẩm của mình có dùng nguyên liệu gì từ Trung Quốc hay không”, bà Thắm cho biết.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm giải pháp xuất khẩu sang thị trường tỷ dân. |
Nói về thị trường Trung Quốc, một doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu các sản phẩm gia vị đến nhiều nước trên thế giới, ông Châu Thinh Lân, Giám đốc Công ty Vianco cho rằng, thị trường Trung Quốc quá rộng lớn, nhiều khách Trung Quốc đến với các doanh nghiệp Việt họ quan tâm đến yếu tố là sản phẩm thuần túy Việt Nam, sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên Việt Nam và khi sử dụng mang lại giá trị tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, ông Lý Tứ Xuyên đại diện Vinamit tại Trung Quốc chia sẻ, để thâm nhập và mở rộng thị trường thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam cần nhấn mạnh vào chất lượng và an toàn sản phẩm, tăng cường giám sát chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng hình ảnh thực phẩm nhập khẩu chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần sử dụng sức ảnh hưởng của thương hiệu để tung ra thị trường các loại thực phẩm nhập khẩu đặc biệt và tạo dựng hình ảnh cũng như định vị thương hiệu độc đáo. Đồng thời, tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty địa phương của Trung Quốc để cùng phát triển thị trường, thiết lập các kênh bán hàng và hệ thống chuỗi cung ứng ổn định..
Ngoài ra, ông Lý Tứ Xuyên cũng đưa ra các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp thực phẩm Việt khi thâm nhập thị trường Trung Quốc. Cụ thể, khi các công ty nước ngoài thâm nhập thị trường Trung Quốc, họ có thể phải đối mặt với những khác biệt về văn hóa và thói quen tiêu dùng khác nhau, đồng thời cần điều chỉnh và điều chỉnh chiến lược sản phẩm của mình.
Việc thiết lập các kênh bán thực phẩm nhập khẩu ổn định tại Trung Quốc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc, đây có thể là thách thức đối với các công ty nước ngoài mới tham gia thị trường. Đồng thời, Trung Quốc đang có số lượng lớn các công ty thực phẩm địa phương và sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong môi trường thương mại quốc tế có thể dẫn đến điều chỉnh thuế quan hoặc gia tăng các rào cản thương mại, ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu và khả năng cạnh tranh thị trường của các công ty nước ngoài.
Nguồn: Báo lao động thủ đô