Chí Linh (Hải Dương): Vô tư xây biệt thự trên đất rừng
(Xây dựng) – Trên địa bàn phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh (Hải Dương) xuất hiện một số biệt thự trên đất rừng sản xuất, rừng đặc dụng nhưng không hề bị cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương xử lý.
Các công trình xây dựng trên đất nhận khoán trồng cây ăn quả tại khu vực đường N3, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh. |
Trên phần đất rừng sản xuất tại khu vực đường N3, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh (Hải Dương), ông Phạm Quốc Đôn – người nhận khoán đất rừng ngang nhiên dựng lên một căn biệt thự rộng hàng trăm mét vuông cùng hàng loạt nhà xưởng phục vụ mục đích kinh doanh. Khu đất rộng 1.174m2 ông Đôn nhận khoán của Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương từ năm 2020, phía bắc giáp hành lang Quốc lộ 17, các phía còn lại giáp đất trồng cây ăn quả của các hộ bà Nga, bà Ngà và ông Sơn. Theo Hợp đồng giao khoán số 83/HĐ-CAQ ngày 7/5/2020 thì trên diện tích trên có 16 cây vải trồng từ năm 1996. Hiện trạng cây sinh trưởng và phát triển bình thường.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, ông Đôn đã cho xây 1 căn biệt thự ở phía cuối khu đất. Phần đất phía ngoài, chủ khu đất cho dựng nhà xưởng kinh doanh vật liệu xây dựng. Căn biệt thự có đủ cả sân vườn, hồ nước, tiểu cảnh, gara ôtô và một mảnh vườn nhỏ phía sau làm nơi chăn thả gà, vịt…
Gần biệt thự của ông Đôn là biệt thự của một người tên Thi. Căn biệt thự này cũng có kiểu dáng, kích cỡ giống như biệt thự của ông Đôn. Trên khu đất bám mặt Quốc lộ 17, phía ngoài chủ đất dựng nhà xưởng kinh doanh vật liệu xây dựng, phía sau là căn biệt thự hai tầng, mái kiểu Thái rộng hàng trăm mét vuông. Bên cạnh các căn biệt thự của ông Đôn và ông Thi là dãy nhà xưởng của một người tên Nguyễn Đại Thắng. Dãy nhà xưởng của ông Thắng cũng xây trên đất nhận khoán trồng cây ăn quả thuộc đường N3, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh. Ông Nguyễn Đại Thắng ký hợp đồng giao khoán đất vào mục đích sản xuất trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả với Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương từ năm 2015. Diện tích nhận khoán là 2.000m2.
Trong hợp đồng, hai bên cam kết giao – nhận khoán đất sử dụng vào mục đích trồng cây ăn quả. Thời điểm nhận khoán, trên phần đất này có 32 cây vải trồng từ năm 1996. Tuy nhiên, trên phần đất nhận khoán, ông Thắng đã cho dựng hàng loạt nhà xưởng phục vụ mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng. Phần đất rừng phục vụ mục đích trồng cây ăn quả đã biến mất hoàn toàn.
Tại khu vực Đoàn 10, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, trên lô 9d1, khoảnh 5, một người tên là Phan Thanh Hòa đã ngang nhiên xây dựng tổ hợp công trình trên đất rừng đặc dụng. Theo quan sát, trong khuôn viên khu đất rộng gần 1.500m2 là hàng loạt công trình kiên cố như nhà ở, khu nghỉ dưỡng, bếp ăn, sân, lán để xe… Diện tích các công trình xây dựng lên tới hàng trăm mét vuông. Theo Hồ sơ giao – nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng của Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương, khu rừng ông Phan Thanh Hòa nhận khoán quản lý, bảo vệ là rừng đặc dụng, có diện tích 1.477m2. Khi nhận khoán năm 2017, trên khu đất này có 22 cây thông được trồng từ năm 1954.
Theo các biên bản của phường Cộng Hòa và Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương, các công trình này được ông Phan Thanh Hòa xây dựng từ giữa năm 2022. Ngay từ thời điểm đó, UBND phường Cộng Hòa đã phối hợp với Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương kiểm tra, yêu cầu ông Hòa tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất rừng nhưng công trình không những không bị tháo dỡ mà ngày càng được xây dựng kiên cố hơn. Các công trình cũng được xây dựng nhiều hơn, quy mô hơn.
Các công trình xây dựng trên đất rừng (bìa trái) của ông Phan Thanh Hòa trên lô 9d1, khoảnh 5 tại khu vực Đoàn 10, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh. |
Việc xây dựng trên đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất diễn ra tràn lan trên địa bàn phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương vẫn chưa tới nơi tới chốn khiến các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương cho biết: “Khi xảy ra sự việc sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép, chúng tôi đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Chúng tôi cũng đã báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với cơ quan chức năng. Hiện nay, Ban Quản lý rừng đã lập biên bản, báo cáo và hủy hợp đồng nhận khoán đối với ông Phan Thanh Hòa”.
Về xử lý hậu quả, ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương cho biết: “Khi hủy hợp đồng và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phải trả lại hiện trạng ban đầu. Chúng tôi đang kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc cùng vì Ban Quản lý rừng không có thẩm quyền xử lý, không có chế tài xử phạt”.
Hiện tại, việc xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản chứ chưa hề có quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cũng không có biện pháp xử lý triệt để nên các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
Ngày 31/10/2023, Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương có Báo cáo số 168/BC-BQLR về việc xây dựng trái phép trên đất Ban Quản lý rừng đang giao khoán gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. Trong báo cáo, Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương khẳng định: “Ông Phan Thanh Hòa có địa chỉ tại khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương có nhận khoán diện tích rừng đặc dụng với Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương tại Hợp đồng số 9b1/HĐ-RĐD tại lô 9d1, khoảnh 5, khu vực Đoàn 10, khu dân cư Tiên Sơn, phường Cộng Hòa. Theo bản đồ kiểm kê năm 2015 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt năm 2015 thì tại vị trí trên nằm trong quy hoạch đất rừng sản xuất. Hiện trạng thực tế tại vị trí trên có 22 cây thông, hàng năm Ban Quản lý rừng vẫn đang chi trả tiền quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng cho ông Phan Thanh Hòa”.
Trong báo cáo, Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương cho rằng: “Vụ việc diễn ra, Ban Quản lý rừng đã chủ động phối hợp với UBND phường Cộng Hòa, Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Tuy nhiên, Ban Quản lý rừng nhận thấy diễn biến vụ việc có chiều hướng phức tạp, Ban Quản lý rừng khó có khả năng ngăn chặn. Vậy Ban Quản lý rừng đề nghị UBND thành phố Chí Linh, Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị liên quan chỉ đạo cơ quan chức năng có thẩm quyền phối hợp ngăn chặn và xử lý”.
Tuy nhiên, ngày 1/11/2022, Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh lại có Văn bản số 36/CV-HKL gửi Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương. Trong văn bản này, Hạt Kiểm lâm thành phố Chí Linh khẳng định: “Đối chiếu Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2010 – 2020 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt thì vị trí xây dựng nhà trên đất nhận khoán (theo báo cáo của Ban Quản lý rừng tỉnh Hải Dương) không thuộc diện tích quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh”.
Vậy khu đất giao khoán cho ông Phan Thanh Hòa là đất rừng đặc dụng hay rừng sản xuất? Khi mỗi cơ quan chuyên môn lại xác định một kiểu khác nhau nên dễ hiểu vì sao các công trình vi phạm của ông Hòa vẫn ngang nhiên tồn tại mà chưa hề bị xử lý. Để tình trạng xây dựng biệt thự tràn lan trên đất rừng như hiện nay trách nhiệm thuộc về ai là câu hỏi cần sớm có câu trả lời từ cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng như chính quyền địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng