Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-23/9/2022
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; sửa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 19-23/9/2022.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. |
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Trong những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thế giới, trong nước, việc điều chỉnh chính sách của các nước tác động đến KTXH nước ta; kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, đối sách phù hợp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, nhất là về tỷ giá, lãi suất, tín dụng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tăng cường công tác truyền thông về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, góp phần tránh lạm phát kỳ vọng.
Bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng. Khẩn trương triển khai có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng thương mại yếu kém và Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025….
Sửa quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung nguyên tắc phát hành trái phiếu, quy định rõ cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu, sửa thời hạn công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch.
Quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù ngành (kể cả giải pháp nhằm giữ và thu hút nguồn nhân lực) đối với cán bộ y tế; chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.
Các bộ, ngành, trước hết là Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo việc khen thưởng, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm.
Nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế
Theo Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 05/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; sớm giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh. Dứt khoát không để tiếp diễn, kéo dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do vướng mắc về thủ tục, quy định và do thiếu trách nhiệm.
Giao kế hoạch đầu tư vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1113/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Chương trình).
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo tổng mức và cơ cấu ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó, về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị gồm: 1- Vụ Hợp tác quốc tế; 2- Vụ Kế hoạch – Tài chính; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế; 5- Vụ Tổ chức cán bộ; 6- Vụ Đất đai; 7- Vụ Môi trường; 8- Thanh tra Bộ; 9- Văn phòng Bộ; 10- Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 11- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 12- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 13- Cục Biến đổi khí hậu; 14- Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; 15- Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; 16- Cục Địa chất Việt Nam; 17- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 18- Cục Khoáng sản Việt Nam; 19- Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; 20- Cục Quản lý tài nguyên nước; 21- Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; 22- Cục Viễn thám quốc gia; 23- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 24- Báo Tài nguyên và Môi trường; 25- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 26- Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 27- Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.
Các đơn vị quy định từ (1) đến (22) là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị quy định từ (23) đến (27) là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Theo Nghị định 66/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc gồm: 1- Vụ Kế hoạch – Tài chính; 2- Vụ Tổ chức cán bộ; 3- Vụ Pháp chế; 4- Vụ Hợp tác quốc tế; 5- Vụ Tổng hợp; 6- Vụ Chính sách dân tộc; 7- Vụ Tuyên truyền; 8- Vụ Dân tộc thiểu số; 9- Vụ Công tác dân tộc địa phương; 10- Thanh tra; 11- Văn phòng; 12- Học viện Dân tộc; 13- Trung tâm Chuyển đổi số; 14- Báo Dân tộc và Phát triển; 15- Tạp chí Dân tộc; 16- Nhà khách Dân tộc.
Các đơn vị quy định từ (1) đến (11) nêu trên là các đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ (12) đến (16) là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 (Chương trình).
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương.
100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có công văn chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Bên cạnh đó, theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai trên địa bàn, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, bảo đảm phù hợp với thực tế tại địa phương, không để bị động, bất ngờ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chậm trễ, chủ quan trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai.
Nguồn: Báo xây dựng