Chế phẩm phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư từ cây cơm rượu trái hẹp

Chế phẩm phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư từ cây cơm rượu trái hẹp

Việc nghiên cứu phát triển các chế phẩm giàu murrayafoline A có khả năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư sẽ góp phần đắc lực cho ngành y dược học trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu của TS. Lưu Văn Chính và PGS.TS. Trần Quốc Toàn cùng các cộng sự Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên- Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã tiến hành đề tài: “Ứng dụng các công nghệ – kỹ thuật hiện đại để xây dựng quy trình và tạo chế phẩm thực phẩm chức năng giàu hợp chất murrayafoline A có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư từ cây cơm rượu trái hẹp” (mã số: UDPTCN. 08/19-21). Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam  xếp loại xuất sắc.

Cây cơm rượu trái hẹp (Glycosmis stenocarpa (Drake) Tan.) thuộc họ Rutaceae. Đây là loài có thân gỗ nhỏ, cao 1 m, thường mọc ở vùng rừng núi các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như Cúc Phương – Ninh Bình; Chí Linh – Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh …. Các hợp chất đã được phân lập chủ yếu từ cây này là alkanoids như murrayafoline A, murrayanin, bisisomahanin … trong đó hợp chất murrayafoline A chiếm 0,3-0,4% khối lượng. Với nguồn nguyên liệu có khả năng khai thác cao, việc nghiên cứu phát triển các chế phẩm giàu murrayafoline A có khả năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư sẽ góp phần đắc lực cho ngành y dược học trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

tm-img-alt

Cây cơm rượu trái hẹp (Glycosmis stenocarpa (Drake) Tan.

Hợp chất murrayafoline A được phân lập lần đầu tại Việt Nam vào năm 2005 từ cây cơm rượu trái hẹp (Glycosmis stenocarpa) thể hiện các hoạt tính sinh học phong phú, đặc biệt là hoạt tính tiêu diệt tế bào ung thư theo cơ chế apoptosis. Hợp chất này có tác dụng đối với nhiều dòng tế bào đã được thử nghiệm, trong đó có tác dụng rất tốt đối với các dòng tế bào ung thư biểu mô (KB), ung thư phổi (LU-1), ung thư tuyến tiền liệt (LNCaP), ung thư máu (HL-60).

Các nghiên cứu in vivo cho thấy murayafoline A hầu như không thể hiện độc tính đối với động vật thử nghiệm. Đánh giá in vivo đối với hoạt tính chống ung thư trên dòng tế bào Lewis Lung Carcinoma- (LLU) cho thấy hợp chất này ở liều dùng 100mg/kgP/ngày không những có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, làm cho thể tích khối u giảm tới 91,4% mà còn có khả năng diệt tế bào ung thư (16,67% số động vật thử nghiệm không còn u, khỏe mạnh trở lại và hoạt động bình thường). Kết quả nghiên cứu cho thấy khi  chuyển hóa murrayafoline A thành dạng nano liposome, cấu trúc này vẫn giữ nguyên tác dụng điều trị ung thư trên động vật thử nghiệm

Các nghiên cứu trước đây chủ yếu sử dụng các phương pháp sắc ký để phân lập murrayafoline A. Vì vậy, hiệu suất phân lập từ nguyên liệu là rất thấp, chi phí cao và khó triển khai ở quy mô lớn. Do đó, việc nghiên cứu tạo chế phẩm chứa murayafoline A có khả năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư là khó khả thi.

Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu xây dựng được một công nghệ phân lập murrayafoline A theo hướng sử dụng các công nghệ và kỹ thuật hiện đại như: enzyme, siêu âm … để từ đó xây dựng được chế phẩm có tác dụng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn.

tm-img-alt
Tinh thể Mu-A và Kết quả sắc ký lớp mỏng của Mu-A.

Nhóm nghiên cứu thành công nghiên cứu xây dựng thành công quy trình công nghệ và mô hình hệ thống thiết bị quy mô pilot 10kg nguyên liệu/ mẻ chiết xuất và tinh chế murrayafoline A từ rễ cây cơm rượu trái hẹp. Quy trình và hệ thống thiết bị hoạt động ổn định với hiệu suất trung bình đạt > 95% và độ tinh sạch đạt > 98%. Sản phẩm murrayafoline A đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Quy trình đã được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và công nghệ cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế số 28816 ngày 03/06/2021.

Nhóm nghiên cứu đã bào chế sản phẩm murrayafoline A thành công dưới dạng nanoliposome với kích thước trung bình đạt 101.18 ± 3.26 nm; PDI = 0.139 ± 0.025; Thế Zeta = -24.2 ± 1.04 (mV); Hiệu suất liposome hóa đạt 55,3%. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã tự thiết kế – chế tạo thiết bị tạo liposome tự động liên tục (50 – 100 ml/h)

tm-img-alt

Thiết bị tạo hạt liposom do nhóm nghiên cứu tự thiết kế – chế tạo.

Nhóm đã bào chế thành công sản phẩm viên uống chứa murrayafoline A dạng nano liposome. Sản phẩm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

tm-img-alt
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa murrayafoline A.

Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục  nâng cấp quy mô chiết xuất và tinh chế murrayafoline A ở các quy mô lớn hơn để hoàn thiện quy trình công nghệ theo hướng sử dụng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp để tạo nguồn nguyên liệu bền vững, gắn với phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.

Chu Thị Ngân

Trung tâm Thông tin – Tư liệu

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích