Chế độ dinh dưỡng tăng cường sức khỏe mùa dịch – Bộ Y tế khuyến gì?

(TN&MT) – Bộ Y tế khuyến khích người dân áp dụng công thức dinh dưỡng 4-5-1 vào bữa ăn hàng ngày bên cạnh việc tăng cường vận động và giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống, để mỗi người sẽ là “một lá chắn thép” vững chắc trong công cuộc chiến đấu với COVID-19.

Những dinh dưỡng nên dùng trong mùa dịch

Nội dung nằm trong chuỗi hoạt động Chiến dịch truyền thông “Niềm tin chiến thắng” được Bộ Y tế phát động nhằm nâng cao nhận thức của người dân cần tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch hiệu quả vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, người dân cần thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và xây dựng lối sống lành mạnh tạo thành thói quen có lợi sức khỏe để đẩy lùi dịch bệnh. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tăng sức đề kháng để có một sức khỏe tốt phòng, chống lại dịch bệnh.

Công thức dinh dưỡng 4-5-1: Tăng cường sức khỏe mùa dịch

Cân bằng dinh dưỡng là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng

Chế độ ăn cân đối 4 yếu tố

+ Cân đối giữa 3 nhóm chất sinh năng lượng trong chế độ ăn (Carbohydrate; protein; lipid)

+ Cân đối về protein (giữa đạm động vật và thực vật)

+ Cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật)

+ Cân đối về vitamin và khoáng chất.

Có ít nhất 5 nhóm trong 8 nhóm thực phẩm

+ Nhóm lương thực: Gạo, bột mì

+ Nhóm hạt các loại

+ Nhóm sữa và các chế phầm từ sữa

+ Nhóm thịt các loại, cá và hải sản

+ Nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng

+ Nhóm củ quả màu vàng, da cam, rau xanh thẫm

+ Nhóm rau củ quả khác

+ Nhóm dầu ăn, mỡ các loại

Dinh dưỡng một ngày phải cân đối, an toàn

Một bữa ăn hoặc dinh dưỡng trong một ngày cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm

Kết hợp lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả tươi sống và thực phẩm công nghiệp

Lưu ý khi lựa chọn thực phẩm công nghiệp

+ Chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

+ Chọn thực phẩm có công bố chất lượng đầy đủ

+ Đọc kỹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm trên bao bì

+ Chọn sản phẩm có bao bì rõ thông tin thành phần nguyên liệu và hạn sử dụng

+ Quy trình sản xuất minh bạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm

+ Không nên tích trữ nhiều để luôn sử dụng được sản phẩm tươi mới

Vận động thường xuyên tại nhà

Bên cạnh đó vận động thường xuyên tại nhà cũng giúp ta phòng bệnh hiệu quả

+ Chỉ cần 30 phút/ ngày bằng bất cứ cách nào bạn thích:

+ Nhún nhảy theo các bài hát yêu thích

+ Tích cực lên xuống cầu thang

+ Yoga nhẹ nhàng cũng tốt

+ Hoặc đốt mỡ thừa nhiều hơn với các bài tập cùng tạ nặng.

10 lời khuyên dinh dưỡng trong mùa dịch COVID-19

(mời bạn đọc tham khảo thêm)

1 – Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn thêm các bữa phụ để đảm bảo năng lượng và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Với trẻ dưới 2 tuổi, duy trì chế độ bú mẹ kết hợp với các bữa ăn bổ sung hợp lý theo hướng dẫn.

2 – Tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, tôm, cua, sữa, đậu đỗ… để duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh.

3 – Ăn nhiều rau quả tươi các loại như: rau lá có màu xanh đậm, củ quả có màu vàng và đỏ, quả chín. Rau quả cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng, giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng khả năng đề kháng chống lại nhiễm khuẩn.

4 – Không ăn kiêng nếu không có chỉ định của thầy thuốc, cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong 1 bữa và trong 1 ngày.

5 – Hạn chế ăn các thực phẩm có hại cho cơ thể (thực phẩm ăn liền; thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều mỡ động vật, đường, hoặc nhiều muối; thực phẩm để quá lâu không còn tươi…). Đảm bảo thức ăn phải được nấu chín và tốt nhất là ăn ngay sau khi nấu.

6 – Uống đủ lượng nước theo nhu cầu (mỗi ngày từ 2-2.5 lít, ít nhất 1,5 lít), nên uống nước ấm. Chú ý không chờ tới lúc khát mới uống, thay vào đó uống thường xuyên mỗi lần một chút cho vừa đủ.

7 – Với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già, có thể sử dụng thêm các loại đa vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất, bột đa vi chất) hoặc các sản phẩm được làm giàu dinh dưỡng khác theo tư vấn của nhân viên y tế.

8 – Bảo quản thực phẩm sống, chín trong các dụng cụ chứa khác nhau và ở các vị trí khác nhau.

9 – Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trước và sau khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Không sờ tay lên mắt, mũi, miệng để hạn chế nhiễm mầm bệnh.

10 – Duy trì vận động và các hoạt động thể lực. Hạn chế uống rượu bia, tránh tụ tập đông người để phòng nhiễm bệnh.

 

Bạn cũng có thể thích