Cháy khu trọ trong hẻm nhỏ: Phải truy trách nhiệm quản lý đô thị !
Cháy khu trọ trong hẻm nhỏ: Phải truy trách nhiệm quản lý đô thị !
Chúng ta hãy đối xử thật cẩn trọng với đô thị hóa và suy nghĩ cho số đông – những con người bình dị làm nên chính đô thị và luôn cần nương nhờ vào đô thị
Vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rạng sáng 24.5 làm 14 người thiệt mạng, đã tiếp tục gióng lên những hồi còi báo động mạnh mẽ về ẩn họa từ các thành phố đang không ngừng chất tải vượt ngưỡng chịu đựng; về những khuất tất cần phải truy đến cùng trong trách nhiệm quản lý đô thị, cấp phép xây dựng khi để xảy ra liên tiếp các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bất cập khi “làng lên phố”
Trở về từ hiện trường vụ cháy, trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều ngày 24.5, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết có hai vấn đề rút ra. Thứ nhất là quá trình “làng lên phố” và thứ hai là bất cập của quy hoạch về nhà ở kết hợp kinh doanh. Công tác phòng cháy, chữa cháy đã gặp bất cập khi “làng lên phố”, giá đất tăng lên, người dân cơi nới nhà cũ để cho thuê. Điều này phá vỡ toàn bộ quy hoạch làng xưa ở nhiều nơi của Hà Nội.
Con hẻm từ ngoài vào sâu bên trong khu vực có ngôi nhà bị cháy dài 300m nhưng có tới 5 góc cua. Càng vào sâu bên trong, hẻm càng thu hẹp, nhỏ tới mức chỉ một chiếc xe máy đi qua được. Ngôi nhà xảy ra vụ cháy 3 tầng được chủ nhà cải tạo, mỗi phòng cho thuê khoảng 16m2, cầu thang tầm 6 tấc, lối đi cũng chỉ cỡ 6-7 tấc. Cửa vào hẹp, toàn bộ cửa đóng bằng gỗ có khe hở. Toàn vật liệu dễ cháy. Khi phát nổ bung hết lên, toàn bộ áp lực tạo nên ngọn lửa có khí rất đậm đặc…
Nếu các vụ cháy trước đây tỷ lệ chết ngạt nhiều hơn chết cháy thì riêng vụ này chết cháy nhiều hơn chết ngạt vì cháy xộc thẳng vào từng phòng trọ. Có một phòng có nhà vệ sinh tương đối kiên cố hơn, người dân vào phòng đó đóng cửa nên thoát được. Trước lúc xảy ra cháy, chủ nhà khóa cửa vì xưởng của chủ nhà ở dưới, trong khi nhà chỉ có một lối đi… “Tới đây Luật Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ phải quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki-ốt, cửa hàng sửa xe, những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh…”, ông Phương nói.
Cảnh tan hoang của hiện trường vụ hỏa hoạn trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rạng sáng 24.5 làm 14 người tử vong. Ảnh: Huy Mạnh
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nêu quan điểm, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá phòng cháy, chữa cháy và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.
“Nếu đánh giá là không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động. Có sự cương quyết như thế thì các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini… ở Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là công tác này”, đại biểu Hòa nói.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), vụ hỏa hoạn xảy ra trên phố Trung Kính là một sự việc hết sức đau lòng, thương tâm khiến những người làm công tác quy hoạch đô thị như ông bàng hoàng. Tuy nhiên, đây là câu chuyện không hề mới khi vào tháng 9.2023, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng cũng đã xảy ra tại chung cư mini ở Khương Hạ, cướp đi sinh mệnh 56 người.
Theo KTS. Chính, trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội hiện có hàng nghìn nhà trọ cho thuê. Thủ đô đã xuất hiện rất nhiều “làng trong phố”. Qua thời gian và do nhu cầu, các công trình cao tầng dần mọc lên, bất chấp tải dân cư vào, trong khi vấn đề bảo đảm phòng cháy, chữa cháy lại chưa tốt. “Căn nhà trọ bị cháy nằm trong ngõ rất sâu, đường rất hẹp, chỉ 1-2m. Trong hoàn cảnh, địa điểm như vậy, với mật độ dân số cao, nhà lại kết hợp kinh doanh dễ cháy nổ, rõ ràng là không phù hợp”, KTS. Chính nói và phân tích thêm, điều kiện thực tế tại căn nhà trọ bị cháy đã khiến cho công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Người dân cũng rất khó thoát hiểm khi sự cố xảy ra.
KTS. Chính cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý các cấp, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cấp phép, thiết kế, điều kiện phòng cháy, chữa cháy, điều kiện kinh doanh của căn nhà xảy ra cháy nói riêng, các căn hộ cho thuê khác nói chung.
Căn nhà trọ xảy ra vụ cháy rạng sáng 24.5 nằm trong con ngõ sâu trên phố Trung Kính, quận Cầu Giấy (Hà Nội), khu vực có mật độ xây dựng dày đặc. Ảnh: Phạm Hưng
Cần định lượng ngưỡng tải và sức chứa đô thị
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững) cho biết các đô thị lớn với hoạt động kinh tế sôi động vốn được xem là “miền đất hứa” cho những người dân ở các vùng quê gần xa muốn thoát nông lên lập nghiệp, đổi đời. Dòng di cư vào đô thị đang ngày càng đông, làng quê sau 10 năm đã vắng hoe nhưng lại khiến cho các đô thị trở nên quá tải và gánh nhiều áp lực chưa từng gặp.
Trên thực tế, tài nguyên, môi trường, nước, năng lượng, thực phẩm… và cả khả năng vận chuyển chúng cho xây dựng và hoạt động sống của các thành phố (bùng nổ đô thị quá nhanh) không thể đáp ứng được lượng dân số lớn như vậy. “Quản lý đô thị phải biết nói “không” với sự chất tải đã quá ngưỡng cho các thành phố lớn nhỏ ở Việt Nam. Làm sao để chính quyền không đi vắng trong công tác quy hoạch, hoạch định, cấp phép, kiểm soát phát triển các khu ở và môi trường ở đúng nghĩa. Phải đảm bảo chỗ ở an toàn cho các cư dân lao động lương thiện, miệt mài đóng góp cho các thành phố…”, PGS. Thục nói.
Theo PGS. Thục, kể từ khi cải cách và mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhảy vọt, trình độ hiện đại hóa và thiết bị thông minh được nâng lên nhiều lần. Sự lựa chọn tất yếu của quá trình đô thị hóa đòi hỏi phải thay đổi phương thức phát triển với tầm nhìn của kỹ trị, của hoạch định làm sao cho hạ tầng thiết yếu và việc làm đi trước, trong đó quan trọng nhất là an cư cho đại bộ phận dân cư và cách định cư bền vững tại các khu ở đô thị.
Thế nhưng thực tế lại khác hẳn. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có tới hàng triệu người sống chen chúc trong các ngõ hẻm tối tăm, không thỏa mãn nhu cầu tối thiểu về nhà ở, việc làm, chưa nói đến các nhu cầu dịch vụ chợ búa, trường học, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật… Phần lớn được phát triển mạnh ở trung tâm và khu cận kề, trá hình trong vỏ bọc xin cấp phép xây dựng “nhà ở đơn lẻ”, rồi ngăn thành hàng chục phòng ngủ để cho thuê hoặc bán.
“Đã đến lúc đường lối đô thị hóa của Việt Nam cần thay đổi về nhận thức và tư duy phát triển. Các tính toán định lượng về ngưỡng tải và sức chứa khoa học phải được đưa vào quy trình bắt buộc để kiểm soát về quy mô dân số, chỉ tiêu quy hoạch, khu ở gắn với việc làm và dịch vụ thiết yếu, phải đảm bảo cho đất đai và các khu chức năng chính trong đô thị hoạt động hiệu quả, an toàn”, PGS. Thục kiến nghị.
Chung cư mini số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đêm 12.9.2023 đã xảy ra cháy khiến 56 người chết và hàng chục người bị thương. Ảnh CTV
Để chung cư mini không thành hiểm họa
Liên quan đến loại hình chung cư mini đang được xem như một giải pháp về chỗ ở vừa khả năng của người thu nhập thấp và trung bình, PGS. Thục cho rằng đây là “cỗ máy đẻ ra tiền” cho người kinh doanh nhưng phải khẳng định là hiểm họa đô thị, từ góc độ quản lý và vận hành có nhiều nguy cơ mất an toàn cho xã hội. Sống ở chung cư mini, người thuê trọ sinh hoạt trong không gian chật hẹp, thiếu nhiều tiện ích. Đối mặt nguy cơ, họ vẫn cam chịu bởi chung cư mini là lựa chọn tối ưu của nhiều sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình, thấp. Chúng nằm trong các hẻm sâu, hẹp gần các trường đại học, cơ quan, khu công nghiệp… “Có nghĩa dạng nhà ở này khó mà loại bỏ vì đây là nhu cầu của người thu nhập thấp và trung bình, hơn nữa nó đã tích tụ trong cơ thể đô thị quá rộng và sâu”, PGS. Thục nhận định.
Theo PGS. Thục, chung cư mini muốn tồn tại cần phải làm rõ các yêu cầu cơ bản sau:
Thứ nhất, cần đánh giá tác động cả môi trường ở và khu dân cư tại chỗ: tối thiểu, trước khi cấp phép xây dựng, cần phải đánh giá tác động của khu, nhà cao tầng mới xen cấy vào môi trường đã ổn định của khu vực đã có trước, cả về không gian xây dựng và không gian văn hóa, xã hội.
Thứ hai, cần đánh giá tác động về giao thông khu vực: theo tiêu chuẩn, khu vực có 250 căn hộ xây mới phải làm đánh giá ùn tắc cục bộ và có 750 xe/giờ hoạt động tại khu vực là đánh giá tắc nghẽn theo phương pháp ITE, TIA. Sau đó là môi trường, không khí, nước, rác thải, rồi đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng xã hội… Sau nữa là kết nối cảnh quan, kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị kỹ thuật, khả năng nhiệt đới hóa của chính dự án với bối cảnh đô thị xung quanh. Nếu không đủ điều kiện thì không được chất tải thêm nhà ở và lượng người ở mới.
Thứ ba, chi tiết hóa các tiêu chuẩn cơ bản cho chung cư mini, không để tình trạng đội lốt nhà ở đơn lẻ (nhà ống) để cấp phép, phạt cho tồn tại. Hãy vì an toàn cho đô thị và bản thân công trình, xử lý chúng như một chung cư cao tầng thông dụng về: hệ thống thông gió, điều hòa không khí (HVAC), bảo dưỡng thiết bị, và dữ liệu; quản lý năng lượng, bao gồm tự động ngắt thiết bị, kiểm soát theo tầng và giới hạn sử dụng điện trong giờ cao điểm; hệ thống giao thông đứng, bao gồm thang máy và thang bộ; các hệ thống an toàn, bao gồm hệ thống chống cháy, giám sát các hệ thống thoát người khẩn cấp, báo khói và hệ thống tín hiệu âm thanh. Các hệ thống quản lý an ninh, bao gồm hệ thống camera giám sát tất cả các lối vào, lối ra, đường thoát khẩn cấp…
PGS. Thục cho biết xây dựng và vận hành đô thị còn cần chính quyền đô thị – bộ máy của những con người tuân thủ kỹ thuật đô thị vốn rất phức tạp, đồng thời còn là phép tắc quản trị đi đầu để đô thị tồn tại và sống tốt. Họ không phải công chức theo nhiệm kỳ mà là những chuyên gia đô thị có kinh nghiệm kỹ thuật đô thị và làm việc suốt cuộc đời với sự liêm chính.
Việc xây dựng quy chuẩn môi trường ở đô thị, đi đôi với tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc về nhà ở, với từng loại hình: chung cư siêu cao tầng (trên 20 tầng), chung cư cao tầng (từ 9 tầng trở lên), chung cư mini, nhà ở liền kề, nhà ở đơn lẻ. Môi trường ở cần bố trí các không gian mở, dịch vụ đời sống thiết yếu, tiêu chuẩn tối thiểu về nhà trẻ, trường học, khám bệnh… Kiểm soát các bãi xuất nhập hàng hóa, bãi đậu xe và hệ thống kiểm tra công trình khu vực, liên kết các trạm kiểm soát tại một số vị trí trọng điểm với quản lý công trình để giám sát bổ sung.
“Những sai lầm đô thị thường trả giá bằng sự hoang tàn hay bằng mạng sống, chúng tích tụ trong cơ thể đô thị dai dẳng và ung nhọt, không thể ngày một ngày hai giải quyết bằng những mệnh lệnh hành chính. Chúng ta hãy đối xử thật cẩn trọng với đô thị hóa và suy nghĩ cho số đông – những con người bình dị làm nên chính đô thị và luôn cần nương nhờ vào đô thị”, PGS. Thục bày tỏ.
Xung quanh ngõ 43 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) có hàng loạt căn nhà trọ được xây san sát nhau trong con ngõ nhỏ. Đáng chú ý, các căn nhà trọ trên đều được quây kín bởi thép gai, lồng sắt kiên cố. Nếu xảy ra hoả hoạn, rất khó có thể tìm được lối thoát. Ảnh chụp ngày 24.5.2024.Nguồn:Vietnam+
Kỹ năng phòng cháy chữa cháy là kỹ năng sống
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến về phòng cháy, chữa cháy ở chung cư, đại tá Nguyễn Minh Khương (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an) cho biết người dân sống tại các công trình như chung cư, nhà cao tầng nếu có kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tốt, đúng, thì có thể xử lý ngay được vụ cháy khi mới phát hiện.
Thực tế cho thấy, để có thể xử lý tốt các tình huống cháy nổ, lực lượng tại chỗ như bảo vệ tòa nhà phải là những người có sức khỏe, có kỹ năng, là những người được học, có kiến thức về việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho tòa nhà đó. Khi xảy ra cháy, đó là lực lượng đầu tiên xử lý tình huống trong “thời gian vàng” – khoảng 5 phút đầu tiên kể từ khi xảy ra cháy, sau thời gian đó đám cháy đã phát triển thành đám cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại tá Khương khuyến cáo người dân những nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy tại các căn hộ gia đình cũng như các công trình chung cư:
Thứ nhất, không được đặt các vật dụng cản trở lối thoát hiểm, hành lang, cầu thang, lối ra thoát nạn.
Thứ hai, người dân không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn, không được mở cửa này. Vì khi cháy nếu cửa mở, khói lửa sẽ tràn vào đây, người dân không thể tiếp cận nơi thoát nạn được.
Thứ ba, không được sử dụng thang máy để thoát nạn. Vì khi cháy thang máy sẽ mất điện. Nếu là loại thang máy thông minh sẽ tự đi xuống tầng 1 nhưng trong tình huống đang cháy lớn ở tầng 1 thì đây sẽ là thảm họa. Còn nếu thang máy dừng giữa chừng thì giếng thang máy sẽ thành giếng lửa, người bị nạn sẽ không thoát được.
Bên cạnh đó, người dân cần có: kiến thức sử dụng bình chữa cháy (đây là phương tiện cần có cho mỗi gia đình, chung cư và các cơ sở); kỹ năng di chuyển thoát nạn (khi cháy, cần có khăn ẩm để tránh ngạt khói, khi băng qua lửa cần khăn, chăn dày thấm nước để che chắn, di chuyển qua khu vực cháy); cần bình tĩnh để suy xét, khoảng cách di chuyển tới nơi an toàn, phán đoán vị trí cháy…
“Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy là kỹ năng sống, có kỹ năng đó thì chúng ta sẽ giảm khả năng bị thiệt mạng mà còn có thể giúp người thân, hàng xóm thoát nạn. Mọi người cần bồi dưỡng các kỹ năng đó để giúp ích cho chính bản thân và cộng đồng”, đại tá Khương nói.
Trần Hoài – Nguyễn Hữu
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị