Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải – vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.
Quay lại giải pháp từ hàng thế kỷ trước
Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua dòng sông Seine, thuyền trưởng Freddy Badar điều khiển sà lan Le Bosphore di chuyển qua những ngôi làng Normandy đẹp như tranh vẽ và khu rừng phủ đầy tuyết, lên đường tới Paris. Trên sà lan là nhiều tầng container chứa nội thất, đồ điện tử, quần áo vừa được chuyển lên từ tàu chở hàng đang neo đậu tại Le Havre – một cảng biển ở phía Bắc nước Pháp.
Le Bosphore là một trong 110 sà lan do Sogestran, công ty vận tải đường sông lớn nhất của Pháp điều hành. Sà lan này hành trình tới Gennevilliers, cách đó hàng trăm kilomet (gần thủ đô Paris). Đây là trung tâm phân phối hàng hóa cho 12 triệu người tiêu dùng của khu vực thủ đô. Mỗi chuyến đi mất khoảng 30 giờ.
Khi Le Bosphore cập cảng Gennevilliers vào ngày hôm sau, một cần cẩu tại đây làm nhiệm vụ dỡ ba lớp container từ sà lan, đặt lên cầu tàu, sau đó xe nâng tiếp tục xếp container sang một bên. Tuy chở lượng hàng hóa khổng lồ nhưng Le Bosphore chỉ tiêu thụ nhiên liệu tương đương 4 chiếc xe tải. Nếu sử dụng đường bộ, số hàng này cần khoảng 120 xe tải và các ngả đường cao tốc sẽ thường xuyên tắc nghẽn.
Nhưng chỉ cần một chiếc sà lan Le Bosphore với thủy thủ đoàn gồm 4 người, lượng hàng hóa lớn từ tàu biển đã được giải phóng và đặc biệt làm giảm hàng tấn khí thải CO2. “Dòng sông này là một phần của giải pháp quy mô lớn hơn, hướng đến vận tải xanh và bảo vệ môi trường”, thuyền trưởng Badar cho biết.
Ông Badar khẳng định, dòng sông Seine có thể giúp châu Âu làm được nhiều hơn nữa trong bối cảnh Liên minh châu Âu tăng cường các giải pháp chống biến đổi khí hậu, “xanh hóa” các phương tiện vận tải. Hiện đây là lĩnh vực tạo ra 1/4 tổng lượng lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Trước thách thức này,một giải pháp đã có từ hàng thế kỷ trước là vận tải sông được lựa chọn. Trước đây, những con sông là cách duy nhất để vận chuyển hàng hóa qua nước Pháp. Nhưng khi xe tải và xe lửa thống trị, đường cao tốc và đường sắt mở rộng khắp lục địa, đường thủy không còn được ưa chuộng.
“Nhưng sau một thời gian dài chịu đựng khí thải quá nặng nề, tốt nhất nên coi dòng sông là một phần của chuỗi giao thông sạch hơn”, ông Badar nói.
Tăng gấp đôi lưu lượng sà lan đến năm 2050
Với 213.000 dặm đường thủy dọc Liên minh châu Âu, giới chức ở đây nhận thấy có tiềm năng giúp cắt giảm lượng xe tải khỏi đường bộ là rất lớn.
Trong Thỏa thuận Xanh – bản kế hoạch giảm phát thải của Liên minh châu Âu, lục địa già dự định biến những dòng sông thành “đường cao tốc”, tăng lưu lượng sà lan lên gấp đôi tính đến năm 2050.
Theo đánh giá của tờ New York Times, kế hoạch này có rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện tại, các dòng sông của châu Âu chỉ là nơi vận tải khoảng 2% hàng hóa của khu vực. Trong khi đó, có khoảng 6,5 triệu xe tải di chuyển trên khắp các con đường của châu Âu, vận tải khoảng 80% vận tải hàng hóa; còn đường sắt chỉ chiếm khoảng 5%.
Dù sông Sein không phải là dòng sông có lưu lượng vận tải bận rộn nhất, nhưng giới chức châu Âu muốn biến nơi đây trở thành một trong những trung tâm thử nghiệm chính cho kế hoạch vận tải thân thiện môi trường.
Những chiếc sà lan lớn như Le Bosphore có kích thước dài hơn một sân bóng đá và có thể giúp giảm 18.000 lượt vận tải ô tô từ Le Havre đến Paris/năm. Sông Seine đủ sức chứa nhiều sà lan như vậy. Chính phủ Pháp hy vọng sẽ tăng lượng vận tải hàng hóa trên sông Seine lên gấp 4 lần so với 20 triệu tấn m3/năm như hiện nay.
Từng bước điện hóa sà lan
Mặc dù vậy, kế hoạch này cũng đối mặt không ít thách thức. Nếu lưu lượng vận tải hàng hóa trên sông tăng cao thì phần lớn hạ tầng đường thủy như cảng, bến tàu vốn đã có tuổi đời hàng thập kỷ sẽ cần phải nâng cấp.
Một vấn đề khác cản trở sự tăng trưởng của vận tải thủy là nhân sự. Nhiều thuyền trưởng tàu sông ở châu Âu sắp đến tuổi nghỉ hưu và nhân sự có trình độ rất khan hiếm.
Để từng bước giải quyết, công ty vận hành cảng Haropa đã và đang mở rộng cảng Le Havre – nằm ngay cửa sông Seine để thu hút tàu từ các cảng lớn như Rotterdam ở Hà Lan hay Antwerp của Bỉ. Hàng hóa được chuyển vào các cảng, sau đó được chuyển vào trong nước Pháp bằng xe tải.
“Chúng tôi đang nỗ lực để các doanh nghiệp chuyển đổi cách thức vận tải”, ông Stéphane Raison, Chủ tịch Công ty Vận hành cảng Haropa của Pháp nói và cho biết, công ty đã đầu tư hơn 1 tỷ euro vào nỗ lực kéo vận tải hàng từ đường bộ sang vận tải thủy trên sông Seine.
Trong tương lai, để giảm phát thải triệt để, châu Âu sẽ chuyển sang sử dụng sà lan điện/hybrid thay cho sà lan dùng diesel.
Hiện tại phần lớn đội sà lan của châu Âu vẫn là phương tiện sử dụng động cơ diesel, nhưng một phần đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học và số lượng ngày càng tăng.
Rất nhiều loại tàu thủy điện đang xuất hiện trên thị trường. Nhiều mẫu sà lan chạy bằng hydro cũng đang được phát triển. Điển hình là mẫu sà lan chạy bằng nhiên liệu hydro đầu tiên của châu Âu mang tên Zulu, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay. Sà lan này có thể chở tới 320 tấn.
Chuỗi siêu thị lớn nhất của Pháp, Franprix là đơn vị dẫn đầu cuộc chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang đường thủy. Trong một thập kỷ trở lại đây, công ty này đã vận chuyển hàng hóa bằng sà lan để cung cấp cho 300 cửa hàng ở Paris. Franprix cho biết, cách làm này giúp giảm 3.600 chuyến xe tải/năm và cắt giảm 20% lượng khí thải carbon.
Theo Trang Trần/Báo Giao thông
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị