Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

Nhiều nước châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm, với dự báo tình trạng này có thể kéo dài tại nhiều khu vực cho đến mùa đông,

Một mạng lưới mương được đào từ thời Trung cổ đã cho phép nông dân ở ngôi làng Letur trên sườn đồi ở miền Nam Tây Ban Nha có thể trồng ô liu, cà chua và hành tây ở một trong những vùng khô cằn nhất châu Âu trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng, hạn hán khốc liệt giờ đây đang lan rộng khắp lục địa, đe dọa đến cả ốc đảo cổ xưa này. Đây là ví dụ cho thấy sự khó khăn mà châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thời tiết ngày một khó lường trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hạn hán tấn công châu Âu

Theo Bloomberg, hệ thống mương phức tạp đã giữ cho đất đai của ngôi làng Letur ẩm ướt và mát mẻ qua nhiều biến cố lịch sử, từ các cuộc chiến tranh, xâm lược của nước ngoài đến thiên tai. Nhưng 200 nông dân sống dựa vào nó giờ đây lần đầu tiên bắt đầu lo lắng, khi mực nước tại nhiều con đập khổng lồ của Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp chưa từng có, và các kênh đào được xây dựng vào những năm 1970, vốn biến khu vực xung quanh thành cường quốc nông nghiệp, bắt đầu cạn kiệt. Nếu hạn hán kéo dài lâu hơn nữa, ông Luis Lopez, một nông dân trồng ô liu 43 tuổi, lo ngại “tôi cảm thấy như chúng tôi là ngôi làng Gaul cuối cùng trong truyện tranh Asterix”.

Là nơi có sa mạc duy nhất của Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha trải qua hạn hán nghiêm trọng hơn và lâu hơn so với các nền kinh tế lớn khác của khối. Vị trí gần châu Phi khiến nước này vào thẳng đường đi của các luồng không khí nóng khi chúng di chuyển về phía Bắc từ sa mạc Sahara.

Nhưng sức nóng không dừng lại ở Tây Ban Nha, thời tiết nóng và khô hơn đang hoành hành khắp châu Âu. Dự đoán, những căng thẳng lên quan đến nguồn nước có thể sẽ diễn ra ở nhiều nơi tại lục địa già. Và bất cứ điều gì xảy ra với ngành nông nghiệp Tây Ban Nha, nguồn cung cấp thực phẩm chính cho các nước láng giềng, sẽ được cảm nhận khắp khu vực.

Bà Nathalie Hilmi, nhà kinh tế môi trường tại Trung tâm Khoa học Monaco cho biết: “Tây Ban Nha là vựa lúa mì của châu Âu, và việc thiếu nước ở đó, thiếu sản xuất nông nghiệp là vấn đề sống còn”. “Nó cũng trở thành vấn đề tài chính, bởi vì cần phải chi nhiều tiền hơn để tìm lương thực”.

Hạn hán kéo dài nhiều năm có thể tàn phá nặng nề vì các ngành như nông nghiệp không có thời gian để phục hồi, do đó tác động chồng chất hết mùa này qua mùa khác và tăng theo cấp số nhân. Theo ông Gabriel Trenzado, giám đốc của Cooperativas Agro-alimentarias de Espana, một nhóm ngành nông nghiệp, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha – chiếm 45% nguồn cung của thế giới – có thể sẽ giảm hơn một nửa trong mùa này, trong khi các loại ngũ cốc như lúa mì và lúa mạch được dự đoán sẽ giảm tới 60%.

tm-img-alt
Một đoạn sông Loire tại vùng Loireauxence ở Pháp cạn trơ đáy trong đợt hạn hán đang hoành hành ở châu Âu. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa nghiêm trọng ở các khu vực khác của EU, nơi dự báo chính thức là tổng thu hoạch ngũ cốc sẽ phục hồi khoảng 7% so với vụ trước. Lượng mưa ở Pháp, nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu của khối, đã được cải thiện kể từ đợt khô hạn mùa Đông và xếp hạng cây trồng cho vụ thu hoạch lúa mì năm 2023 đang ở mức cao nhất vào thời điểm này trong hơn một thập kỷ.

Ở một số khu vực thậm chí còn có quá nhiều mưa, khiến việc trồng lúa mạch và củ cải đường ở một số vùng của Đức bị trì hoãn do tháng 3 ẩm ướt nhất kể từ năm 2001.

Nỗi lo thời tiết bất thường

Nông dân trên toàn châu Âu không chỉ phải đối mặt với hạn hán mà còn phải đối mặt với thời tiết nói chung khó dự đoán hơn. Năm ngoái, Tây Ban Nha trải qua một đợt nắng nóng tương tự như đợt nắng nóng đã “thiêu rụi” đất nước vào tháng 4 này, cho đến khi bão Cyril khiến nhiệt độ giảm bất thường, dẫn đến thiệt hại hàng triệu euro cho các nhà sản xuất trái cây và ngũ cốc.

Sự chuẩn bị của châu Âu cho tương lai khô hạn hơn đang phải vật lộn để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, lục địa này đã nóng lên nhanh gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong ba thập kỷ qua và tác động kinh tế là rất lớn.

Mực nước sông thấp kỷ lục gây ra thiệt hại hàng tỷ USD do việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn. Nó cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện và hạt nhân, làm tăng thêm tình trạng thiếu năng lượng, đồng thời góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thế hệ. Mất mùa do hạn hán có thể khiến giá lương thực tăng cao hơn nữa.

Theo Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus, lượng nước chảy vào các hồ và biển ở châu Âu giảm dần cũng gây ra rủi ro môi trường do làm tăng nhiệt độ nước và gây hại cho các hệ sinh thái. Và sau đó là khả năng xảy ra cháy rừng cao hơn, thiêu rụi các cảnh quan châu Âu có diện tích lớn gấp ba lần diện tích của Luxembourg vào năm ngoái.

Đây là năm thứ hai liên tiếp thời tiết cực kỳ khô và nóng ở Tây Nam châu Âu, nguyên nhân bắt nguồn từ đợt nắng nóng trước mùa Hè bắt đầu sớm hơn ba tháng so với bình thường.

Tây Ban Nha vừa trải qua tháng 4 nóng nhất và khô nhất được ghi nhận. Ở những nơi khác, tuyết tích tụ trên dãy Alps – nguồn cung cấp nước chính cho Pháp và Italia – đang ở mức thấp nhất trong hơn thập kỷ, làm trầm trọng thêm nhiều năm có lượng mưa và tuyết rơi dưới mức trung bình. Xa hơn về phía Bắc, Đức và Vương quốc Anh cũng phải trải qua những cơn mưa dị thường nghiêm trọng.

Ông Andrea Toreti, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, cơ quan khoa học độc lập tư vấn cho các quan chức của khối, cho biết những thay đổi về thời tiết phù hợp với các dự báo khoa học về lượng mưa ít hơn và nhiệt độ cao hơn ở châu Âu trong bối cảnh trái đất ấm lên.

Nhưng mức độ hạn hán này được cho là sẽ chỉ xảy ra thường xuyên vào năm 2043. “Nếu không có gì được thực hiện, chúng tôi cho rằng tình trạng này có thể xảy ra gần như hàng năm,” ông nói.

Ở Italia, nơi thiếu nước đang bóp nghẹt khu vực nông nghiệp năng suất cao nhất của đất nước, cuộc khủng hoảng đã trở thành mục tiêu ưu tiên quản lý của một cơ quan đặc biệt do Phó Thủ tướng Matteo Salvini đứng đầu. Pháp, quốc gia năm nay phải hứng chịu một mùa đông không mưa dài nhất được ghi nhận, đặt ra mục tiêu mới là cắt giảm 10% lượng nước tiêu thụ vào cuối thập kỷ này.

Chính phủ Tây Ban Nha thì nỗ lực tìm giải pháp. Mặc dù chi hàng tỷ euro trong vài thập kỷ qua để cải thiện hệ thống quản lý nước, nhưng lượng mưa thấp hơn 19% so với mức trung bình lịch sử kể từ tháng 10 năm ngoái đã khiến các hồ chứa của Tây Ban Nha chỉ còn khoảng một nửa công suất. Các biện pháp được lên kế hoạch để giải quyết tình trạng thiếu nước sẽ tiêu tốn hơn 22 tỷ euro.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích