Châu Á và châu Phi chịu phần lớn tác động từ ô nhiễm không khí

Châu Á và châu Phi chịu phần lớn tác động từ ô nhiễm không khí

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, ô nhiễm không khí trên toàn cầu vẫn tiếp tục gây ra rủi ro đối với sức khỏe con người, trong đó các nước ở châu Á và châu Phi chịu phần lớn tác động.

Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) cho biết trong báo cáo của tổ chức “Chỉ số chất lượng cuộc sống không khí (AQLI)”: “Khoảng 3/4 tác động tiêu cực đến sức khỏe do ô nhiễm không khí tập trung ở 6 quốc gia – Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Nigeria và Indonesia”.

Báo cáo ước tính nếu các hạt nguy hiểm trong không khí (PM2.5) được giảm xuống mức do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 2,3 năm trên toàn thế giới, giúp tiết kiệm tổng cộng 17,8 tỷ năm sống.

Mức độ ô nhiễm trung bình trên thế giới đã giảm nhẹ trong thập kỷ qua, song hầu hết sự cải thiện này đều đến từ Trung Quốc, nơi mà “cuộc chiến chống ô nhiễm” kéo dài 10 năm đã chứng kiến PM2.5 giảm hơn 40% kể từ năm 2013.

tm-img-alt
Thủ đô Bangkok của Thái Lan bị bao phủ trong bụi mịn vào hôm 7/3. Ô nhiễm không khí giết chết 6,7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu. Nguồn: SCMP

Christa Hasenkopf, Giám đốc AQLI cho biết: “Trong khi Trung Quốc đã đạt được thành công đáng kể trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí thì xu hướng ở các nơi khác trên thế giới lại đang đi theo hướng ngược lại”.

Bà cho biết, PM2.5 ở Nam Á đã tăng gần 10% kể từ năm 2013, khiến tuổi thọ trung bình trong khu vực giảm khoảng 5 năm. Tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng ở miền Trung và miền Tây châu Phi cũng biến ô nhiễm hạt mịn thành mối đe dọa sức khỏe ngày càng tăng, ngang bằng với HIV/AIDS và sốt rét.

Trong khi đó, hầu như toàn bộ khu vực Đông Nam Á hiện nay được coi là có “mức độ ô nhiễm không an toàn”, với tuổi thọ trung bình bị giảm 2-3 năm.

Nồng độ PM2.5 trung bình của Trung Quốc đứng ở mức 29 microgam/m3 vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với khuyến nghị của WHO là 5 microgam.

Mặc dù những cải thiện ở Trung Quốc đã giúp nâng tuổi thọ trung bình lên 2,2 năm kể từ năm 2013, nhưng con số này có thể tăng thêm 2,5 năm nữa nếu nước này đáp ứng tiêu chuẩn của WHO.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích