“ChatGPT phiên bản Việt” và câu chuyện của người tiên phong
“ChatGPT phiên bản Việt” và câu chuyện của người tiên phong
Chỉ 9 tháng sau khi ChatGPT ra mắt, đội ngũ kỹ sư VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) đã làm chủ hoàn toàn mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và chính thức giới thiệu ViGPT – ChatGPT phiên bản Việt đầu tiên dành cho người dùng cuối vào tháng 12/2023. Sản phẩm nhanh chóng gây được tiếng vang trong cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam.
Chọn con đường khó để giải bài toán Việt
Vào cuối năm 2022, ChatGPT tạo nên một “cú nổ lớn”, mở ra cuộc đua chinh phục AI tạo sinh giữa các các quốc gia và ông lớn trong lĩnh vực công nghệ. Giới công nghệ Việt khi ấy cũng sục sôi mong muốn phát triển những sản phẩm của riêng người Việt để tự chủ về công nghệ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các sản phẩm quốc tế. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đủ khả năng và quyết tâm hiện thực hóa mong muốn ấy như VinBigdata.
GS. Vũ Hà Văn (Giám đốc Khoa học VinBigdata) chia sẻ: phát triển ViGPT là một lựa chọn liều lĩnh, song cần thiết để giải quyết bài toán đặc trưng của người Việt.
“AI tạo sinh là một bài toán khó. Các ông lớn như OpenAI hay Google cũng phải đổ rất nhiều nguồn lực và thời gian vào nghiên cứu mới có thể tạo ra những sản phẩm như chúng ta thấy. Các sản phẩm này đã rất tốt, nhưng thật ra các nhà khoa học cũng vẫn chưa hoàn toàn hiểu cơ cấu hoạt động của nó. Khi nào nó có lỗi, và lỗi sẽ như thế nào ít ai đoán trước được. Để phát triển một sản phẩm tương tự ChatGPT dành cho người Việt, trong thời gian ngắn chưa tới một năm, thì rất nhiều thử thách. Nhưng chúng tôi đã lựa chọn “liều” vì một phiên bản ChatGPT tiếng Việt nếu không phải người Việt làm thì ai làm” – GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học VinBigdata chia sẻ.
Thực tế, rất ít công ty lựa chọn xây dựng Mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình từ đầu. Như GPT 3 của OpenAI có 175 tỷ tham số và được đào tạo trên bộ dữ liệu 45 terabyte và tiêu tốn 4,6 triệu USD. Thậm chí, theo tính toán, số tiền để phát triển GPT 4 có thể lên tới 100 triệu USD. “Với những con số khổng lồ như thế, rất khó để tìm được một công ty nào đủ sức đầu tư cho công nghệ này”, TS. Nguyễn Kim Anh, Giám đốc Sản phẩm VinBigdata nói.
Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ AI thế hệ mới, với chi phí và hạ tầng tối ưu, VinBigdata lựa chọn một hướng đi hoàn toàn khác biệt, đó là tạo ra một mô hình ngôn ngữ chỉ với 1,6 tỷ tham số, nhưng có khả năng tương đương với những mô hình ngôn ngữ lớn có nhiều tỷ tham số.“Kết quả cho thấy, với kiến trúc do chính VinBigdata tự phát triển hoàn toàn có thể tối ưu và đẩy nhanh quá trình huấn luyện mô hình ngôn ngữ, giảm chi phí hạ tầng (bao gồm chi phí huấn luyện và chi phí sử dụng), nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của mô hình”, TS. Nguyễn Kim Anh cho biết thêm.
Đội ngũ VinBigdata kỳ vọng tạo ra một “trợ lý ảo thông minh” có khả năng hiểu và đưa ra câu trả lời theo ngữ cảnh của người Việt
Sau khi giải quyết bài toán về kích thước mô hình ngôn ngữ lớn, trong quá trình “thai nghén” ViGPT, sau khi nghiên cứu các mô hình của nước ngoài, đội ngũ VinBigdata còn nhận ra một thử thách khác là “tính ảo giác”, đến từ bản chất cố hữu của mô hình xác suất thống kê.
Theo đó, các mô hình ngôn ngữ lớn trên thế giới thường được huấn luyện bằng các nguồn dữ liệu tiếng Anh. Do đó, mô hình này chưa thực sự hiểu và phản ứng đúng với ngữ cảnh và văn hóa của người Việt. Điều này dẫn đến tình trạng ảo giác (hallucination) khiến mô hình ngôn ngữ lớn “bịa đặt” ra câu trả lời không chính xác.
Để tìm ra lời giải tối ưu trong thời gian ngắn nhất, đội ngũ Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) của VinBigdata được chia thành các nhóm nhỏ, cùng phân tích, bàn bạc các ý tưởng khác nhau để tìm hướng đi cuối cùng phù hợp nhất.
“Sau cùng, chúng tôi quyết định phát triển kiến trúc khác so với phần lớn mô hình ngôn ngữ lớn hiện tại, đồng thời tiến hành đào tạo trên bộ 600GB dữ liệu tiếng Việt tinh chỉnh, nhằm tạo ra một “trợ lý ảo thông minh” có khả năng hiểu và đưa ra câu trả lời theo ngữ cảnh của người Việt”, TS. Nguyễn Kim Anh nói thêm.
Khát vọng một hệ sinh thái công nghệ Việt
Theo kết quả đánh giá từ Bộ Tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt (VMLU) ViGPT đạt điểm trung bình là 42.24%, đứng thứ hai chỉ sau ChatGPT (48.54%). Kết quả này cho phép ViGPT tìm kiếm thông tin, giải đáp câu hỏi về các chủ đề đặc trưng, đặc thù của Việt Nam một cách nhanh chóng.
Bên cạnh năng lực của trợ lý ảo, điều đội ngũ phát triển mong muốn là tích hợp ViGPT vào các sản phẩm gần gũi, sử dụng hàng ngày, nhằm tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống của người Việt. Đó chính là động lực thôi thúc đội ngũ VinBigdata xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm ngôn ngữ và tiếng nói ứng dụng ViGPT – Hệ sinh thái “Vi” bao gồm: ViChat, ViVoice, Trợ lý ảo ViVi. Các sản phẩm này có thể sử dụng cho đa ngành nghề, từ công nghiệp ô tô, ngân hàng – tài chính, bảo hiểm đến giao thông vận tải và nhiều lĩnh vực khác.
ViGPT sẽ được tích hợp vào nền tảng VinBase 2.0, với các giải pháp ứng dụng AI tạo sinh và hệ tri thức đa ngành nghề, nhằm tăng tốc số hóa doanh nghiệp
“Khi làm công nghệ, nhất là AI, chúng tôi không chỉ muốn chinh phục những hệ thống hay, phức tạp mà khó nhìn thấy. Chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm hữu hình, có tính ứng dụng cao, mà ở đó, AI là tác nhân trực tiếp tạo ra những thay đổi trong cuộc sống”, Giám đốc Sản phẩm VinBigdata khẳng định.
Do đó, phát triển thành công ViGPT mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình đưa công nghệ và dữ liệu “thuần Việt” phục vụ cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Đại diện VinBigdata cho biết, đơn vị này đặt mục tiêu tích hợp ViGPT vào nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức VinBase 2.0, nhằm cung cấp các giải pháp vượt trội cho hệ thống tổ chức, doanh nghiệp ở đa dạng quy mô, ngành nghề.
Trước ViGPT, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói VinBigdata đã ghi dấu ấn với việc cho ra mắt ViVi – trợ lý ảo tiếng Việt toàn diện đầu tiên (được ứng dụng và triển khai trên các dòng ô tô điện VinFast, ứng dụng cư dân Vinhomes Resident và sàn thương mại điện tử Vinhomes Online), đồng thời, làm chủ hoàn toàn những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới như Sinh trắc học giọng nói (Voice Biometrics) hay Nhân bản giọng nói (Voice Cloning).
Tất cả những công nghệ này đều được phát triển dựa trên cơ sở dữ liệu 3.500 terabyte, tập trung chủ yếu vào dữ liệu đặc thù của người Việt, do VinBigdata thu thập, phân tích và tinh chỉnh. Mục tiêu sau cùng là làm sao mang công nghệ thế giới, chạm tới cuộc sống Việt, bằng chính dữ liệu và hệ tri thức của người Việt.
ViGPT là “ChatGPT phiên bản Việt” đầu tiên dành cho người dùng cuối được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt (LLM) do VinBigdata phát triển. ViGPT sở hữu những tính năng vượt trội và thiết kế phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của người Việt như sáng tạo nội dung, tìm kiếm thông tin, giải đáp các câu hỏi thường thức mang đặc trưng của Việt Nam. Đăng ký và trải nghiệm ViGPT tại: vigpt.vinbigdata.com