Chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu ngân hàng

Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh, hay nói cách khác, sự hồi phục của nền kinh tế tỷ lệ thuận với nợ xấu ngành ngân hàng. Rủi ro là khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng của ngân hàng giảm. Hiện ngân hàng cũng dần hết “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động trong năm nay lại khá cao nên buộc phải trích giảm dự phòng. Lý do bởi lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào thu từ lãi và hoạt động phi tín dụng, nhưng hiện nguồn thu từ lãi tăng chậm, trong khi nguồn thu phi tín dụng khó tăng mạnh như năm trước. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn chiếm 6,16% tổng dư nợ.

Kiểm đếm tiền. Nguồn Internet

 

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Trong đó, liên quan đến tình hình xử lý nợ xấu, báo cáo của Chính phủ cho biết, từ năm 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro.

Kết quả, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.695,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, TCTD tự xử lý ở mức cao 1.271,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 75% trong tổng nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD – VAMC và tổ chức, cá nhân khác) 424 nghìn tỷ đồng, chiếm 25% trong tổng nợ xấu được xử lý.

Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu cũng đạt được kết quả tích cực.

Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 425,9 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống TCTD là 6,16% so với tổng dư nợ.

Báo cáo của Chính phủ cho hay, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD có thể tiếp tục chịu áp lực từ diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng.

Hơn nữa, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn như khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua/bán nợ xấu; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản…

Vì thế, một trong những giải pháp trong thời gian tới được Chính phủ nhấn mạnh là sẽ tăng cường công tác thanh/kiểm tra, giám sát hoạt động của các TCTD, trong đó lưu ý chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu để phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp.

Báo cáo về công tác giám sát tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống có 40 TCTD đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 205,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cuối năm 2022 và giảm 11,6% so với năm 2020. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng nhỏ, chiếm 1,67%, thấp hơn mức 2,0% cuối năm 2022.

Đến tháng 7/2023, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm 0,55%; tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 4,99% so với cuối năm 2022, chiếm 21,73% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Bên cạnh nhiều giải pháp đã thực hiện để giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều khó khăn và vướng mắc đối với công tác này.

Theo đó, hoạt động tín dụng ngân hàng gắn với rủi ro và nợ xấu là không thể tránh được. Mặt khác, do đặc điểm nền kinh tế của Việt Nam là tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc quá lớn vào vốn đầu tư, đặc biệt là tín dụng ngân hàng, cho nên khi kinh tế vĩ mô gặp khó khăn tác động đến doanh nghiệp kéo theo tác động lớn đến hệ thống ngân hàng.

VietinBank An Giang triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh Trọng Triết

Chính phủ cho rằng, thời gian qua, thị trường trái phiếu và bất động sản khó khăn nên đã ảnh hưởng khả năng thanh khoản. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp vừa vay vốn tại TCTD, vừa phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên khi xảy ra tình trạng mất khả năng trả nợ/mất thanh khoản do việc khó khăn từ huy động vốn từ kênh trái phiếu dẫn đến không có dòng tiền để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu để trả nợ.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không được trả gốc và lãi theo cam kết nên ảnh hưởng đến nguồn thu, thiếu vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, ảnh hưởng đến tình hình tài chính nói chung và ảnh hưởng đến các khoản trả nợ vay TCTD nói riêng.

Thị trường bất động sản thanh khoản thấp cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các TCTD.

Vì thế, báo cáo của Chính phủ nhận định, sự bất ổn của thị trường vốn, cụ thể là thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản, trong thời gian qua gây ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường, góp phần làm mặt bằng huy động vốn lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay tăng cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến khả năng, nguồn trả nợ của khách hàng, do đó gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao cũng như chất lượng tín dụng của toàn hệ thống./.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích