Chất lượng tài sản của LPBank cải thiện với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 giảm
(Xây dựng) – Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, LPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng giảm từ 1,45% xuống còn 1,33%. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 5.572 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của LPBank đạt 5.572 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2022. |
Được thành lập từ năm 2008, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HoSE: LPB) là ngân hàng đứng thứ 12 trong top 25 ngân hàng niêm yết xét về tổng tài sản tính đến cuối năm 2022. Năm 2011, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trở thành một trong những cổ đông chính của LPB. Thế mạnh của LPB là mạng lưới các phòng giao dịch bưu điện trên cả nước. Ngân hàng tập trung vào cho vay bán lẻ, chiếm 64,5% tổng dư nợ cho vay vào cuối năm 2022.
TOI tăng đột biến trong quý IV/2023 nhờ thu nhập ngoài lãi tăng mạnh
Trong quý IV/2023, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của LPB tăng 76,4% so với cùng kỳ lên 6.491 tỷ đồng nhờ thu nhập ngoài lãi tăng đột biến 246% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2023, TOI đạt 15.625 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các chuyên gia của khối phân tích VNDIRECT cho rằng nguyên nhân có thể đến từ ghi nhận một phần phí trả trước từ thỏa thuận banca với Dai-ichi life.
Vào cuối năm 2023, dư nợ tín dụng của LPB tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, cao hơn mức 12,7% của năm 2022. Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần lũy kế cho cả năm 2023 giảm 5,9% so với cùng kỳ do NIM giảm. Tại cuối năm 2023, NIM đạt 3,23%, (-0,73 điểm % so với cùng kỳ), tiếp tục giảm từ mức 3,96% vào cuối 2022.
“Chúng tôi cho rằng xu hướng giảm của NIM sắp đi đến hồi kết, khi NIM chỉ giảm 0,02 điểm % so với quý trước trong quý IV/2023. Chúng tôi cho rằng NIM của LPB sẽ đi ngang trong năm 2024 nhờ chi phí vốn (COF) thấp hơn trong năm 2024. COF chỉ tăng 0,2 điểm % so với quý trước trong quý IV/2023, đây là tín hiệu cho thấy COF có thể giảm trong các quý sắp tới. Trong khi đó, lợi suất tài sản không đổi so với quý trước, duy trì ở mức 9,3%, cao hơn so với quý IV/2022”, các chuyên gia của khối phân tích VNDIRECT nhận định.
Lợi nhuận ròng trong quý IV/2023 tăng mạnh, chi phí dự phòng cho cả năm giảm
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản quý IV/2023 của LP Bank. |
Trong quý IV/2023, LPB ghi nhận lợi nhuận ròng tăng mạnh 293,5% so với cùng kỳ lên 2.628 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận ròng tăng 23,5% so với cùng kỳ nhờ TOI cao hơn và chi phí dự phòng giảm. Tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập hoạt động (CIR) cả năm 2023 là 36,9%, giảm nhẹ so với mức 37,5% vào năm 2022 nhờ TOI cao hơn.
Chất lượng tài sản cải thiện với tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 giảm
Tại cuối quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm 1,46 điểm % so với quý trước và 0,12 điểm % so với cùng kỳ xuống 1,34%, đánh dấu quý đầu tiên kể từ đầu năm 2023 tỷ lệ nợ xấu giảm. Tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm quý thứ ba liên tiếp kể từ quý 1/2023, giảm 0,1 điểm % so với quý trước và -0,4 điểm % so với cùng kỳ. LPB đã sử dụng bộ đệm dự phòng để xử lý nợ xấu, với tỷ lệ xử lý nợ xấu tăng từ 0,6% năm 2022 lên 1,5% vào năm 2023. LLR của ngân hàng đã cải thiện từ 67,5% trong quý 3/2023 lên 93,8% trong quý IV/2023, cho thấy ngân hàng vẫn còn bộ đệm dự phòng dồi dào để xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Trong năm 2023, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã chi gần 8,6 tỷ đồng để trả thù lao cho Hội đồng quản trị. HĐQT của LPBank có 7 thành viên, tính bình quân mỗi thành viên được nhận hơn 1,2 tỷ đồng trong năm 2023.
Năm 2023, tổng quỹ lương thưởng và phúc lợi của Tổng Giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác này đã giảm hơn một nửa, từ hơn 34 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 15,7 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch ngày 26/1, giá cổ phiếu LPB không thay đổi so với phiên giao dịch liền kề, hiện đang ở mức 17.450 đồng/cổ phiếu.
Nguồn: Báo xây dựng