Chất lượng rượu nhập khẩu đang được quản lý theo quy định nào?
Quy định về dán tem, ghi nhãn rượu nhập khẩu
Về dán tem rượu nhập khẩu, theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP và Nghị định số17/2020/NĐ-CP, rượu nhập khẩu phải được dán tem, tem dán phải theo đúng quy định của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Theo Thông tư số 15/2020/TT-BTC quy định rượu nhập khẩu phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), mỗi chai được dán một (01) con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp nhập khẩu thùng, téc lớn về chiết ra chai hoặc sản xuất rượu thành phẩm thì thùng, téc không phải dán tem.
Đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở của doanh nghiệp và báo cáo cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu số lượng thực sử dụng (ghi rõ số sêri tem) trước khi thông quan. Đối với rượu thành phẩm dạng thùng, téc nhập khẩu về đóng chai trong nước: Doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ. Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu.
Tem sản phẩm rượu nhập khẩu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép phân phối rượu còn hiệu lực. Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng theo nhu cầu của các đơn vị đã đăng ký theo định kỳ hàng năm. Căn cứ số lượng rượu nhập khẩu do người khai hải quan khai, cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm bán tem cho doanh nghiệp nhập khẩu và ghi rõ số lượng, số sêri tem thực sử dụng vào tờ khai Hải quan nhập khẩu rượu.
Ảnh minh hoạ
Về ghi nhãn rượu nhập khẩu, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, rượu nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Ngoài ra, các nội dung được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh như: Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của mặt hàng rượu trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa; Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất mặt hàng rượu.
Nhãn phụ sử dụng đối với rượu nhập khẩu, phải được gắn trên rượu nhập khẩu hoặc bao bì thương phẩm của rượu nhập khẩu và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của rượu nhập khẩu. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của rượu nhập khẩu.
Rượu được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Đối với rượu được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất gắn với xuất xứ của rượu nhập khẩu và ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành rượu. Rượu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hóa đó.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của mặt hàng rượu. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn rượu nhập khẩu, phải thể hiện các nội dung: Tên rượu; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về rượu; Xuất xứ rượu; Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại rượu.
Rượu nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Rượu nhập khẩu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có cùng thương hiệu thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu thương hiệu đó hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở Việt Nam trên nhãn hàng hóa nếu được chủ sở hữu thương hiệu đó cho phép, nhưng phải bảo đảm truy xuất được cơ sở sản xuất ra hàng hóa khi cần thiết và/hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý và ghi rõ xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa. Ngoài ra, rượu nhập khẩu chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra mặt hàng rượu cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.
Kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm
Rượu nhập khẩu khi nhập khẩu và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng theo các quy định hiện hành. Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, thương nhân nhập khẩu phải xuất trình thêm Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó.
Kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với rượu nhập khẩu hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Điều kiện bảo đảm an toàn đối với rượu nhập khẩu: Rượu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng rượu nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện, phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu; Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận rượu đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định; Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với loại rượu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng rượu nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Rượu, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng rượu nhập khẩu phải được kiểm tra theo quy định của nhà nước Việt Nam về an toàn thực phẩm, trừ trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ. Rượu nhập khẩu từ nước có ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về thừa nhận lẫn nhau đối với hoạt động chứng nhận an toàn thực phẩm được áp dụng chế độ kiểm tra giảm, trừ trường hợp có cảnh báo hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm. Việc miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với một số mặt hàng rượu nhập khẩu theo trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước sẽ xuất khẩu mặt hàng rượu vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phong Lâm