Chất lượng lao động còn hạn chế là rào cản đối với nâng cao năng suất

Theo chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, mặc dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28% (Niên giám thống kê 2021). Tuy nhiên, tỉ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn quá thấp. Đặc biệt chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm cải thiện, thậm chí có sự giảm sút trong năm gần đây. Điều này thể hiện qua việc người lao động thiếu đào tạo kỹ thuật, thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức về thiếu hụt lao động có trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc các tập đoàn, công ty lớn có xu hướng thành lập các trường đại học, trường cao đẳng nghề riêng cũng cho thấy sự bất cập trong chất lượng đào tạo nghề của các trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

 Chất lượng lao động còn hạn chế là rào cản đối với nâng cao năng suất.

Trước đó, chuyên gia Viện Năng suất cũng chỉ ra NSLĐ của toàn nền kinh tế còn thấp; tồn tại khoảng cách lớn về NSLĐ giữa các ngành kinh tế. Mặc dù ngành công nghiệp có đóng góp cao nhất cho NSLĐ của toàn nền kinh tế song năng suất ngành công nghiệp chưa được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tốc độ tăng trưởng NSLĐ ngành công nghiệp không ổn định, có xu hướng giảm trong các năm gần đây. Giai đoạn 2010-2020 đạt bình quân khoảng 2,71%/năm, thấp hơn mức bình quân cả nước và các ngành kinh tế còn lại. Ngược lại, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản còn đông, chất lượng thấp, quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành khác còn chậm. Trong khi tổ chức sản xuất nông nghiệp yếu kém, trang bị công cụ và máy móc thiếu thốn dẫn đến mức cải thiện NSLĐ chưa nhiều, tăng trưởng ở mức thấp, cải thiện khoảng cách về NSLĐ giữa các khu vực nông lâm nghiệp thủy sản và hai khu vực còn lại khá chậm. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch lao động nông nghiệp đang làm giảm NSLĐ của các ngành lao động chuyển đến như ngành CN-XD và dịch vụ.

Ở một phương diện khác, nền tảng mức NSLĐ thấp nên cho dù với tốc độ tăng NSLĐ cao, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực còn lớn. Nếu không kịp thời cải thiện đáng kể NSLĐ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hút FDI trong thời gian tới. Đặc biệt, khi Việt Nam có thể giảm dần lợi thế về lao động giá rẻ khi bước qua thời kỳ “dân số vàng” và dự kiến sẽ tham gia thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích