Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cải cách thủ tục hành chính được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính có ý nghĩa, vai trò to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Thông qua việc cải cách sẽ gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đối với môi trường kinh doanh và đời sống người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro mà người dân và doanh nghiệp gặp phải. Việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính tạo cơ sở cho quá trình thực hiện và tăng cường khả năng giám sát thực thi công vụ của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, thực hiện được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, đồng thời các cơ quan hành chính nhà nước cũng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2023 công bố mới đây, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh; các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định.
Về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tính đến đến hết năm 2023, tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 28,6% và tại các địa phương đạt 45,3%. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 30,60%, tại địa phương đạt 90,75%…
Kết quả khảo sát doanh nghiệp trong báo cáo PCI 2023 đã phản ánh những kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính nêu trên. Cụ thể, điểm số chỉ số thành phần Chi phí thời gian năm 2023 đạt 7,74 điểm, tăng từ con số 7,28 điểm năm 2022 và 7,35 điểm năm 2021. Chuyển biến tích cực có thể thấy rõ trong cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung, cũng như đối với phương thức giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
Có thể thấy trong khảo sát năm 2023, các doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung ở mức cao. Đó là cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả (87,9%) và thân thiện (87,2%), doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất hồ sơ (82,5%), thủ tục giấy tờ đơn giản (82,4%), phí và lệ phí được niêm yết công khai (93,5%), thời gian giải quyết thủ tục hành chính rút ngắn so với quy định (86,8%).
Với cú hích từ đại dịch Covid-19, cơ quan chính quyền các cấp đã đẩy mạnh chuyển đổi số để giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Ghi nhận từ khảo sát 2023 cho thấy gần 77% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm thời gian và chi phí so với phương thức hồ sơ giấy trước đây và 77,8% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Các chỉ tiêu này đều có cải thiện đáng kể so với hai năm trước đó.
Mặt khác, gánh nặng thanh, kiểm tra về cơ bản cũng đã giảm bớt đối với các doanh nghiệp. Trong năm 2023, có gần 7% doanh nghiệp cho biết có tiếp đón từ 3 đoàn thanh, kiểm tra trở lên trong năm, giảm nhẹ từ con số 7,4% năm 2022 và 9,9% năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết mục đích của các cuộc thanh tra là tạo cơ hội cho cán bộ thanh, kiểm tra nhũng nhiễu doanh nghiệp là gần 7% năm 2023, giảm rõ rệt từ con số 9,6% năm 2022 và 13,8% năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp lại có dấu hiệu nhích từ con số 6,7% năm 2022 lên 8,5% năm 2023.
Thanh Tùng