Chào mừng Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3: Những bông hồng làm nên những mùa Xuân
Từ những “bông hồng” trên thương trường…
Phụ nữ được ví như những đóa hoa hồng, doanh nhân nữ được ví như những bông hồng trên mặt trận kinh tế, hay còn gọi thương trường. Theo thống kê, dù doanh nghiệp do nữ làm chủ chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số doanh nghiệp của Thủ đô, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm các gian hàng của doanh nghiệp nữ tại Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình” tổ chức mới đây. Ảnh Bảo Thoa |
Đơn cử như doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hằng, là hộ sản xuất- kinh doanh giỏi cấp Thành phố bà đã đưa mô hình trang trại sinh thái trở thành một điểm sáng về chuyển đổi mô hình kinh tế tại huyện Thanh Trì (Hà Nội). Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 12km, tách biệt với những ồn ào, náo nhiệt của phố thị, trang trại Vạn An – Hải Đăng (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) là tâm huyết của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, người từng “lăn lộn” nhiều năm để cải tạo đất hoang hóa ven sông Hồng trở thành một trang trại kinh tế tổng hợp.
Tâm huyết với mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại giá trị cao, bà đã đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín để chế biến nông sản của trang trại thành nhiều loại: rau hữu cơ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung,… góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Với những sản phẩm hữu cơ từ trang trại, Vạn An đã đạt Huy chương Vàng và chứng nhận danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, Huy chương Vàng và danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng; Cúp Vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng; Cúp Vàng vì sức khỏe người Việt lần thứ I của Bộ Y tế và Tổng Hội Y tế.
Nhưng có lẽ, điều mà bà Thanh Hằng tâm huyết nhất chính là việc mang lại công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. Trong đó có nhiều nông dân đã hết tuổi lao động nhưng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người tàn tật và thương bệnh binh. Không chỉ với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, trang trại còn hỗ trợ chỗ ăn, ở, điện, nước cho người làm công có hoàn cảnh khó khăn.
Doanh nghiệp do nữ làm chủ rất đa dạng ngành nghề, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến những nguyên liệu bình dị như củ sắn, hạt kê, phụ phẩm nông nghiệp… nâng tầm trở thành sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Hay các dự án rất nhân văn mang lại cơ hội việc làm, nghề nghiệp cho người tự kỷ, khuyết tật.
Điểm qua những doanh nhân trên như những ví dụ sinh động cho đội ngũ doanh nhân nữ Thủ đô, họ đang đồng hành cùng chính quyền, tổ chức Công đoàn trên mặt trận kinh tế để tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước, góp phần vì mục tiêu xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. |
Ở Hà Nội, có một “ngôi nhà” để trẻ tự kỷ, người khuyết tật trú ngụ và cống hiến sức mình với công việc, tự do và bình đẳng như mọi người. Đó chính là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân do doanh nhân Đào Thanh Hoàn gây dựng. Đến với Trung tâm Ngọc Ân bất kể ngày nào cũng thấy những con người còn mang trên mình khiếm khuyết nhưng luôn hạnh phúc, vui vẻ, hăng say sáng tạo những sản phẩm có ích cho đời.
Để trẻ tự kỷ, người khuyết tật làm ra được sản phẩm đã khó, khó hơn nữa là sản phẩm phải bán được, mang lại giá trị kinh tế cho chính người khuyết tật. Bởi thế, trong nhiều năm qua, bà Đào Thanh Hoàn đã trăn trở nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nghiên cứu và thiết kế thiết bị, máy móc bán thủ công để đưa vào sản xuất phục vụ người khuyết tật và tự kỷ vận hành quy trình tạo ra sản phẩm.
Và để sản phẩm của người khuyết tật có chỗ đứng, khẳng định thương hiệu trên thị trường, doanh nhân Đào Thanh Hoàn đã nghiên cứu quảng bá thương hiệu, thực hiện các quy trình như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; đăng ký bản quyền mỹ thuật cho ứng dụng cho nhãn hiệu sản phẩm hướng nghiệp của thanh, thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật.
Doanh nhân Đào Thanh Hoàn giới thiệu sản phẩm do người lao động khuyết tật, tự kỷ thực hiện đến bạn bè quốc tế tại Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu” 2023 tổ chức ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ). |
Chính thức hoạt động từ tháng 10/2020, Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Ngọc Ân và nhà sáng lập Trung tâm đã nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, lọt Top 10 Thương hiệu uy tín quốc gia 2023. Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân phát triển thành chuỗi với 6 cơ sở trên toàn quốc. Ở Ngọc Ân, học viên tự kỷ, khuyết tật được học nghề làm “Oản nghệ thuật” và “Lễ sắp thủ công”; từ đó có thể tự lao động, được tạo việc làm, có thu nhập và nhìn nhận khả năng lao động như những người bình thường.
Doanh nhân Đào Thanh Hoàn cũng vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tôn vinh và trao tặng danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2023. Trước đó, vào tháng 8/2023, bà Đào Thanh Hoàn được vinh danh tại diễn đàn “Giao lưu văn hoá và kinh tế Việt Nam – Ấn Độ”, là 1 trong 52 cá nhân xuất sắc đến từ nhiều nước được hai trường đại học danh tiếng – Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) và Trường Đại học Quốc tế mở và trực tuyến Cambridge (Canada) phong tặng danh hiệu Giáo sư – Tiến sĩ danh dự.
Không chỉ làm chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ít doanh nhân Thủ đô còn bắt nhịp với xu thế của thời đại, đặc biệt trong kỷ nguyên số đã “tiến quân” vào lĩnh vực chuyển đổi số, một lĩnh vực mới mẻ nhưng quyết định tương lai kinh tế của bất kỳ địa phương, bất kỳ quốc gia nào. Nói đến nữ doanh nhân Hà Nội còn có thể kể đến như bà Đinh Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Misa, một “nữ tướng” của đơn vị hàng đầu về các giải pháp phần mềm cho quản lý doanh nghiệp, phần mềm kế toán… hiện đang tạo việc làm cho gần 3.000 người lao động trên cả nước. Hay bà Cao Thị Thuỷ, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết huyện Ứng Hoà, người đã ứng dụng công nghệ vào trồng lúa, tạo việc làm cho hàng chục nông dân. Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ tịch Tập đoàn Ruby Group, đơn vị đã đưa ra giải pháp công nghệ giúp hàng nghìn doanh nghiệp vận hành hiệu quả,…
Ngày càng nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đưa ra được các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm đa dạng, an toàn cho người tiêu dùng trên cơ sở giá trị tài nguyên, tiềm năng của địa phương. Có thể nói, nhiều nữ doanh nhân đã tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững. Họ có bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin và đam mê, kiên trì bền bỉ, dám đối mặt và vượt qua thử thách, khó khăn thậm chí là định kiến giới và cả thất bại.
Doanh nghiệp nữ Hà Nội tự hào với sản phẩm mang tính sáng tạo trên nền sản phẩm truyền thống. |
Tại Ngày hội phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, sáng tạo diễn ra tháng 9/2023, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, bà Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội nhấn mạnh: Cần tiếp tục khơi dậy tiềm năng của phụ nữ Thủ đô trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; giải quyết thêm việc làm cho lao động gia tăng thu nhập, từ đó tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, đóng góp tích cực vào phong trào khởi nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
…. Đến dấu ấn công đoàn để lao động nữ “tròn cả hai vai”
Theo số liệu của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội (LĐLĐ), với gần 400 nghìn nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), chiếm 57% tổng số CNVCLĐ hiện đang có mặt trên mọi lĩnh vực công tác, từ tham gia công tác quản lý, đến chuyên môn và trực tiếp sản xuất; nối tiếp truyền thống của phụ nữ Việt Nam được hun đắp qua nhiều thế hệ, nữ CNVCLĐ Thủ đô đã không ngừng phát huy vai trò và năng lực, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Vừa là Thủ đô, vừa là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, nên đội ngũ CNVCLĐ đông, đặc biệt là lao động nữ làm trong các cơ quan, đơn vị, khối sản xuất – kinh doanh, khu công nghiệp, nên các cấp Công đoàn Thủ đô luôn đồng hành với nữ công nhân lao động để họ “tròn cả hai vai”.
Nhờ làm tốt vai trò của Ban Nữ công Công đoàn các cấp, nên công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ được đảm bảo. Đội ngũ các cán bộ Nữ công đã thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nữ đoàn viên, CNVCLĐ, từ đó, tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn đề xuất những vấn đề liên quan đến lao động nữ; góp ý vào nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là vào bản Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên nữ luôn là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và Thủ đô. |
Nổi bật là tại Công ty TNHH Thời trang Star Việt Nam, đơn vị có trên 4.000 lao động, trong đó có gần 90% là lao động nữ, đội ngũ cán bộ nữ công và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty phát huy tốt vai trò trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua việc chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; tham gia thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều chính sách có lợi cho lao động nữ. Nhiều điều khoản mang lại hiệu quả thiết thực cho lao động nữ được thực thi như: Bố trí phòng vắt trữ sữa cho nữ đoàn viên, người lao động với đầy đủ trang thiết bị; nữ đoàn viên, người lao động đang mang bầu và nuôi con nhỏ được sắp xếp nghỉ trước giờ làm 1 tiếng/ngày…
Để các quy định, chính sách đến được với nữ đoàn viên Công đoàn, năm 2023, riêng Ban Nữ công LĐLĐ Thành phố đã xây dựng kế hoạch, đồng thời chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đồng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ tại 922 doanh nghiệp có sử dụng đông lao động nữ. Ngoài ra, có 4.587 Công đoàn cơ sở đã tổ chức kiểm tra về việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến lao động nữ tại đơn vị.
Đồng thời, tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông cho đoàn viên, CNVCLĐ về các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; phát động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Điển hình nhất như tổ chức khám sức khỏe sinh sản, khám tầm soát ung thư miễn phí cho lao động nữ; trao hỗ trợ cho gần 1.800 nữ đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng nhân dịp 8/3/2023; trao hỗ trợ cho gần 2.000 nữ đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng nhân dịp 8/3/2024…
Với phương châm “ở đâu có doanh nghiệp, ở đó có Công đoàn”, Công đoàn không chỉ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ căn cốt của mình mà thực sự còn trở thành “bạn đồng hành” đối với lao động nữ để vừa để tôn vinh, vừa để khích lệ tinh thần hăng say lao động, sản xuất; học tập, nghiên cứu mà còn giúp cả những lao động động nữ có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống. Công đoàn luôn đồng hành để lao động nữ vốn mang sứ mệnh “mang nặng, đẻ đau” luôn tròn cả hai vai. Vừa đảm việc nhà, vừa giỏi việc nước.
Những lao động nữ dù đang làm trong lĩnh vực, vị trí nào, từ lao động quản lý, quản trị đơn vị, nghiên cứu khoa học, lao động chân tay… họ đều có được gọi là “phái yếu”. Phái yếu song lại có thiên chức lớn lao làm mẹ, làm vợ và trên “đôi cánh” mỏng manh như chim én, họ lại như những “bồng hồng” làm nên những mùa Xuân trên mọi lĩnh vực để đất nước, Thủ đô có được như ngày hôm nay. Để mỗi người đàn ông chúng ta có được tổ ấm để đi về… |
Bảo Thoa – Mai Quý
Nguồn: Báo lao động thủ đô