Chanh không hạt Bến Lức – Long An được chứng nhận chỉ dẫn địa lý
Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện đề tài “Tạo lập, quản lý và quảng bá Chỉ dẫn địa lý “Bến Lức – Long An” cho quả chanh không hạt tỉnh Long An” do Cử nhân Đào Phương Hạnh là chủ nhiệm nhiệm vụ, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK là đơn vị chủ trì thực hiện, đến nay quả chanh không hạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận “Bến Lức – Long An”.
Chanh không hạt là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Bến Lức và các vùng lân cận. Hiện nay, diện tích trồng chanh không hạt trên địa bàn tỉnh Long An đạt trên 10.000ha, trong đó huyện Bến Lức chiếm trên 60%.
Sản phẩm chanh không hạt Bến Lức – Long An
Danh tiếng của chanh không hạt Bến Lức Long An không chỉ được thể hiện qua quy mô và giá trị xuất khẩu mà còn được thể hiện qua các giải thưởng danh giá như “Danh hiệu sản phẩm nông nghiệp Quốc Gia tiêu biểu của năm” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận các năm từ 2014 đến 2017.
Các tính chất đặc thù của quả chanh không hạt Bến Lức Long An có được là nhờ điều kiện độc đáo về mặt tự nhiên và kỹ thuật trồng của khu vực địa lý. Khu vực chỉ dẫn địa lý có nền nhiệt trung bình hàng tháng từ 26,3 đến 29,7oC; tương đối ổn định trong năm. Thời gian chiếu sáng tại khu vực địa lý dao động từ 7 đến 9,5 giờ/ngày, các tháng mùa khô đạt trị số cao: 222 – 295 giờ/tháng. Khu vực chỉ dẫn địa lý có từ 10 đến 11 tháng có số giờ nắng từ 200 giờ/tháng trở lên. Lượng ánh sáng tại khu vực địa lý xuyên suốt một vòng đời thu hoạch, kích thích tổng hợp chlorophyll và ức chế hoạt động của phytochro, làm đậm màu quả và chậm quá trình biến đổi màu sắc vỏ quả chanh. Hàm lượng vitamin C và hàm lượng acid hữu cơ cao của chanh không hạt Bến Lức Long An liên quan đến cơ chế tăng cường sinh tổng hợp để điều hòa hoạt động sinh lý của quả khi gặp nắng nóng kéo dài. Nền nhiệt cao, số giờ nắng nhiều, thời gian chiếu sáng dài khiến cây chanh không hạt tại khu vực địa lý có xu hướng sản xuất nhiều vitamin và thành phần hợp chất thứ cấp hơn để bảo vệ cây khỏi tác hại gây bất lợi, kháng oxi hóa, điều hòa hoạt động sinh lý của cây.
Các kỹ thuật trồng trọt độc đáo của người dân tại khu vực địa lý là yếu tố góp phần tạo nên các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm. Nhân giống bằng phương pháp ghép. Cành ghép được sử dụng từ cây đã được kiểm soát thông qua hồ sơ lý lịch giống và được lấy mẫu đánh giá đạt chất lượng trước khi ghép.
Chỉ dẫn địa lý “Bến Lức – Long An” cho quả chanh không hạt chỉ là bước khởi đầu. Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ phối hợp các cơ quan, tổ chức quản lý Chỉ dẫn địa lý là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Bến Lức, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng các chính sách, hướng dẫn chuyên môn nhằm tạo điều kiện để các tổ chức, người sản xuất, kinh doanh có thể sử dụng Chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả.
Tại Long An, tính đến tháng 6/2024 có 3 sản phẩm có Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý gồm sản phẩm thanh long Châu Thành – Long An, khoai mỡ Bến Kè Thạnh Hóa, chanh không hạt Bến Lức – Long An; 4 nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gồm thanh long Châu Thành Long An, nếp Thủ Thừa Long An, khoai mỡ Bến Kè Thạnh Hóa và chanh không hạt Bến Lức – Long An.
Bảo Linh (t/h)